Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa để bứt tốc

Giống như những cơn mưa rào hiếm hoi giữa mùa hè khô hạn, thêm nhiều tin vui vừa đến với ngành nông nghiệp Việt Nam từng lấn bấn trong cơn khủng hoảng thừa nông sản.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa để bứt tốc

Lần đầu tiên, những chiếc lá tía tô Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 700 đồng/lá. Cũng lần đầu tiên, Nhật Bản nhận nhập khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm chế biến từ Việt Nam… Quả thực, dư địa tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn, song dư địa ấy chỉ có thể tận dụng tốt nếu Việt Nam định vị lại nền nông nghiệp trong cuộc chơi toàn cầu.

Sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%. Tuy vươn lên rất ngoạn mục từ “đáy” tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm ngoái, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 3,05% trong năm nay, thì những tháng còn lại, ngành nông nghiệp phải đạt mức tăng trưởng 3,45% - một mục tiêu đầy thách thức.

Tuy vậy, liên tiếp thông tin về nhiều mặt hàng Việt Nam thâm nhập được các thị trường khó tính đã tiếp thêm động lực, thêm niềm tin cho những người làm nông nghiệp. Quả thực, nhìn vào triển vọng tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực, có thể thấy, cơ hội để ngành nông nghiệp bứt phá vẫn còn rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang đứng nhất, nhìn thế giới về xuất khẩu không ít mặt hàng.

Hơn nữa, hầu hết những nông sản rơi vào khủng hoảng ở nước ta thời gian qua đều do người dân sản xuất theo phong trào, nhắm vào thị trường dễ tính, không đòi hỏi chất lượng và trình độ chế biến cao. Do đó, để đón nhận nhiều hơn nữa tin vui đến từ các thị trường khó tính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương tổ chức lại ngành hàng, định hướng người dân vào sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, đồng thời xác định cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng. Qua đó, từng bước xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển.

Với người nông dân, cũng không thể mãi tư duy theo kiểu làm thật nhiều, thật rẻ, làm ra cái mình có trong khi thị trường lại không thực sự cần. Như vậy, Việt Nam mới có thể hướng tới một nền nông nghiệp không chỉ đứng đầu về lượng, mà còn phải dẫn đầu về chất, có khả năng thâm nhập những thị trường khó tính nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới với hơn7 tỷ dân đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn.

Riêng với thị trường Trung Quốc, lâu nay, nhiều người vẫn “mặc nhiên” coi đây là thị trường dễ dãi và rủi ro, do đó chưa chú trọng đúng mức chất lượng sản phẩm. Đây có thể là nguyên nhân khiến một số nông sản Việt giảm uy tín với người tiêu dùng Trung Quốc.

Cần phải thấy rằng, Trung Quốc là thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân mà mọi tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhắm tới. Việt Nam có những thuận lợi mà hiếm nước nào có được là biên giới liền kề và cơ cấu mùa vụ, sản phẩm nông nghiệp giữa hai bên cũng không quá trùng lặp. Vì vậy, nếu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật khắt khe của nước bạn để thâm nhập thị trường theo đường chính ngạch, thì bài toán đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của Việt Nam sẽ không quá khó.

Rõ ràng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, vấn đề căn cốt vẫn là định hướng và tổ chức lại sản xuất sao cho chuyên nghiệp, sau đó là phát triển thương hiệu, chế biến. Cuối cùng mới là giải bài toán thị trường.

Mặc dù đã qua 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, song tiến độ triển khai còn chậm. Vì vậy, thời gian tới, nông nghiệp phải khẩn trương tái cơ cấu từng ngành, xây dựng thêm vùng chuyên canh lớn, đồng thời kiểm soát chặt chất lượng, gắn với chế biến.

Đang tồn tại một nghịch lý là Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do, song trong khi hàng hóa nước bạn ồ ạt vào Việt Nam, thì nông sản nước ta vẫn loay hoay ở vài thị trường dễ tính. Như vậy, chỉ khi có sản phẩm tốt, xóa bỏ tư duy “ăn xổi”, trách nhiệm hơn nữa với sản phẩm làm ra, thì nông sản Việt mới hết lo bài toán thị trường và hoàn toàn có thể bứt tốc khi khai thác thêm dư địa mới.

baodautu.vn/nong-nghiep-con-du-dia-but-toc-d66129. http://baodautu.vn/nong-nghiep-con-du-dia-but-toc-d66129.html

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng trong năm 2024, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA nhiều lần nhấn mạnh những tác động tích cực của hai “cuộc cách mạng” hứa hẹn tạo bước đột phá đối với sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp…

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...