ODA đội vốn và cái “bẫy ưu đãi”

Cuối cùng, Việt Nam đã nhìn thẳng vào những hạn chế của vốn vay ODA.
ODA đội vốn và cái “bẫy ưu đãi”

25 năm sử dụng nguồn vốn ODA, trở thành nước thu nhập trung bình, không được nhận vốn vay ưu đãi từ World Bank và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cuối cùng, Việt Nam đã nhìn thẳng vào những hạn chế của vốn vay ODA. “Bẫy ODA và vay ưu đãi” được đề cập tới khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Trong khi đó, nợ công tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2017, đạt mốc 35 triệu đồng/người và vẫn tiếp tục tăng thêm khiến ai cũng buộc phải nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng các khoản vay ODA còn nhiều hơn cả hạn mức được Quốc hội phê duyệt. Tính tới cuối năm 2017, tổng số vốn vay ODA đã gấp đôi hạn mức cho phép, lên tới 600.000 tỉ đồng.

Thêm vị đắng từ “mật ngọt” ODA tiếp tục được chính chúng ta chưng cất. Ngoài những dự án ODA nằm ngoài danh mục, cách thức quản lý yếu kém, đặc biệt là vấn nạn chậm tiến độ đã nối dài danh sách ghi nợ nói trên. Theo tính toán của ADB, dự án kéo dài thêm 1 năm thì sẽ tăng thêm 17,6% kinh phí, nếu kéo dài thêm 2 năm thì có thể tăng thêm tới 50% kinh phí.

Vì vậy, không quá xa sự thật khi một vị chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất thực tế của vốn ODA nếu cộng các chi phí phi thương mại như phí cam kết, phí quản lý, phí điều chỉnh đội vốn, phí quan hệ... có thể lên tới trên 10%, thậm chí 13-14%. Ngay cả những nền kinh tế đã hóa rồng, hóa hổ cũng khó lòng chịu được mức lãi suất này.

Rủi ro từ việc sử dụng không hiệu quả vốn ODA, có lẽ, còn tinh vi hơn những gì vẫn được kiên trì nhắc đi nhắc lại. Đó là hệ lụy liên đới, khi một bộ phận của nền kinh tế chạy theo việc... ăn theo vốn ODA. Trong nỗi đắng chát khi nhìn nhận lại hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn ODA, dòng vốn ưu đãi từ Trung Quốc được lưu ý hơn cả. Cảnh báo về nguồn vốn ưu đãi từ Trung Quốc vang lên chứng tỏ chúng ta đã thấm thía bài học đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn gấp 2 lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD hay các đại dự án thua lỗ ngành Công Thương liên quan đến nguồn vay từ Trung Quốc.

Với trách nhiệm của cơ quan đứng mũi chịu sào trong quản lý đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tiếp có những động thái tích cực. Tháng 4, Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các tỉnh yêu cầu báo cáo đánh giá tác động và hiệu quả gần 2.600 dự án có sử dụng vốn ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức) và vốn vay ưu đãi, giai đoạn 1993-2017. Nhiều cái sai trong sử dụng ODA xuất phát từ các yếu tố chủ quan như tư duy dự án, nhiệm kỳ, tham nhũng, tư túi... thậm chí cả cái giá của cuộc đua đạt được thành tích tăng trưởng cũng đã được nhận diện.

Chiến lược rút lui, với hàm ý, xây dựng cách thức tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư, kiến thức chuyên môn tiên tiến mà không cần ODA cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu. Rõ ràng, điều này chỉ có thể đạt được khi các dự án Việt Nam đề xuất phải thể hiện được khả năng sinh lợi, xứng đáng là miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam phải chứng tỏ được năng lực là một đối tác bình đẳng của khu vực và thế giới, môi trường kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực phải sẵn sàng cho dòng đầu tư trên nguyên tắc win - win đó.

Không trông chờ những chiếc chìa khóa vàng xuất hiện như trong cổ tích, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, đưa ra một cách tiếp cận... độc lập: ODA chủ động. Theo đó, đã đến lúc không sử dụng vốn vay ưu đãi kiểu cào bằng, mà phải đi vào trọng tâm, vào các dự án có hiệu quả kinh tế, mang lại giá trị gia tăng. Việt Nam tự lựa chọn những dự án đầu tư, sau đó, nên tranh thủ mối quan hệ giữa các quốc gia, vận động để nhận được vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án.

“Nếu chủ động và công khai, vốn Trung Quốc hay nước nào khác cũng không phải là vấn đề lớn”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển khẳng định. Vị chuyên gia lưu ý, trong chiến lược ODA chủ động này, Quốc hội phải là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về dự án, đồng thời, giám sát việc đầu tư xây dựng và nghiệm thu các dự án này. Chỉ như vậy, mới khắc phục vấn nạn các bộ ngành, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ nên chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn vay ưu đãi, làm tăng mức độ rủi ro khi sử dụng nguồn đầu tư này.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...