Đến nay, TISCO,mất cân đối tài chính dài hạn 744 tỷ đồng, toàn bộ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV nhưng ở thời điểm này, ngành Công Thương đã hối hả lo “trả bài” cho đại biểu Quốc hội và cử tri.
Tại phiên họp giao ban hôm 17/8, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ “kiểm điểm lại các lời hứa từ đầu nhiệm kỳ của Bộ trưởng”.
Ai cũng biết, khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Công Thương sau người tiền nhiệm Vũ Huy Hoàng, “di sản” mà ông Trần Tuấn Anh tiếp nhận là 12 đại dự án thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Một trong những “lời hứa từ đầu nhiệm kỳ của Bộ trưởng” Trần Tuấn Anh chính là đến cuối năm 2018, ngành Công Thương sẽ xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ và đến năm 2020 thì hoàn thành.
Xử lý cơ bản nghĩa là giải quyết được 2 vấn đề của 12 đại dự án. Thứ nhất, các dự án phải cân đối được tài chính, tổng thu bằng tổng chi, tức là thoát lỗ. Đó là bước nền tảng để tiến tới làm ăn có lãi.
Thứ hai, số lượng dự án cân đối dòng tiền phải chiếm đa số. Trong 12 đại dự án thua lỗ phải có khoảng 10 dự án cân đối được tài chính thì gọi là “xử lý cơ bản”.
Tóm lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa đến cuối năm 2018 các dự án nói trên sẽ thoát lỗ, thu hồi được vốn cho nhà nước.
Cập nhật tình hình tài chính của 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Bộ Công Thương cho biết tính đến hết năm 2017, tổng số vốn chủ sở hữu của 12 dự án là âm 33,41 tỷ đồng (giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016). Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 58 nghìn tỷ đồng (tăng 366 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016).
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả đã lên đến hơn là 58,5 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2016).
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Đến thời điểm hiện tại, cụ thể là trong cuộc họp giao ban ngày 17/8, lãnh đạo ngành Công Thương đã thẳng thắn thừa nhận “đến nay có nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành”.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những nút thắt của việc xử lý cơ bản 12 dự án chính là lãi suất khấu hao, giãn nợ và khoanh nợ.
Đến nay, các khoản vay tại các ngân hàng thương mại của các dự án, doanh nghiệp đều được phân vào nhóm 1, ngoại trừ Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai thuộc nhóm 4.
Riêng đối với 6 dự án có vay vốn của VDB thì có 4 dự án bị phân vào nhóm 5 là nợ xấu có khả năng mất vốn, bao gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Có dự án nợ đầm đìa như Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), mất cân đối tài chính dài hạn 744 tỷ đồng, toàn bộ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp. TISCO đã “cầu cứu” Chính phủ xin khoanh nợ, đề nghị cơ cấu thời gian trả nợ và đề xuất vay thêm hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, có một “điển hình” khác đang sa lầy trong thua lỗ, chưa nhìn thấy hướng thoát ra là nhà máy bột giấy Phương Nam. Đơn vị này đã tổ chức đấu giá đến 3 lần nhưng không ai tham gia đến nỗi Tổng công ty Giấy Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Số lần giảm giá sẽ không giới hạn, cho đến khi nào có khách hàng chịu mua nhà máy này.
Trước đó, Chính phủ đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ phải theo nguyên tắc tự chủ, nhà nước không cấp tiền.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: “Chính phủ đưa ra nguyên tắc không dùng tiền Nhà nước để cứu dự án. Đó là điều đánh đố Bộ Công Thương, rất khó nhưng đang phải cố gắng để giải quyết”.
Ông Hải cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị kỹ những chất vấn của đại biểu Quốc hội với ngành Công Thương ở kỳ họp trước vì: “Ra Quốc hội, nhiều vấn đề làm được họ sẽ không nói. Nhưng còn nhiều đại biểu đã đưa ra vấn đề nhưng chưa được giải đáp như ý muốn, công sức thời gian qua sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo Hoàng Lan - Vietnamfinance.vn