Ông Lê Văn Quân: “Tiềm năng phát triển của cộng đồng DN Hà Nội rất lớn”

Trải qua đợt bùng phát dịch lần 4, cộng đồng DN Việt Nam và Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ, Thương Gia đã trò chuyện với ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Lê Văn Quân: “Tiềm năng phát triển của cộng đồng DN Hà Nội rất lớn”

Qua đây, Thương Gia nhận thấy, giống như đánh giá của ông Quân, doanh nghiệp Hà Nội sẽ tăng trưởng bứt phá vì tiềm lực của doanh nghiệp là rất lớn. 

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, mong muốn hiện nay của doanh nghiệp là gì? Đơn vị của ông đã có kế hoạch gì để hỗ trợ các mong muốn đó?

Đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam. Theo khảo sát, 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và chỉ gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Theo khảo sát của VCCI cho thấy, tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành đặc biệt lớn. Những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần phải kể đến du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục - đào tạo… 

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. 

Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán… 

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, theo tôi phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều mong muốn Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng… Tuy nhiên, phần lớn các chính sách chưa thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Về phía Trung tâm, mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần tại các Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 84/NQ-CP. Tuy nhiên, trong năm 2020, Trung tâm đã tham mưu xây dựng và tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành tại các Đề án: Hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và hộ kinh doanh; phối hợp với các đơn vị trong Sở nghiên cứu các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp đủ sức chống chọi với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông có thể chia sẻ về những thành tựu mà đơn vị đã làm được trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch cụ thể trong năm 2021?

Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, được thành lập ngày 20/4/2005. Trung tâm có nhiệm vụ chính là công tác tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố dành cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong suốt 15 năm qua, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, những năm qua, Trung tâm đã tham mưu cho UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai tốt các nhiệm vụ như: nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; tham mưu đối thoại chính quyền – doanh nghiệp; tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh; triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV như: chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp; hỗ trợ kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; hỗ trợ kết nối đầu tư, giao thông; hỗ trợ miễn phí về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư….

Đặc biệt, trong công tác tham mưu, liên tục trong 3 năm (từ 2018-2020), Trung tâm đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành 3 Đề án lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố. Với vai trò là cơ quan đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, Trung tâm luôn hoàn thành sứ mệnh và đi tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố ghi nhận.

Năm 2021, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai quyết liệt các nhiệm vụ lớn được UBND Thành phố giao tại các Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025, Đề án Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021-2025, gồm các nhiệm vụ cụ thể như:

- Tổ chức các hội thảo kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; Hỗ trợ triển khai một số nhiệm vụ truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức trên toàn Thành phố; Hỗ trợ phát triển thêm từ 2 đến 3 không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ huấn luyện, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

- Triển khai một số chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho DNNVV; Hỗ trợ DNNVV tham gia mạng lưới tư vấn viên; Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và đóng gói thực phẩm….

Từ những nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp, Trung tâm đã được UBND Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh (PCI) của Thành phố trong giai đoạn vừa qua liên tiếp đứng trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng 2030 sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng về cả số lượng lẫn quy mô của cộng đồng doanh nghiệp. Vậy ông có thể cho biết, trung tâm có những kế hoạch nào để hỗ trợ Hà Nội đạt được mục tiêu này?

Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, Trung tâm đã tham mưu cho Sở trình HĐND, UBND Thành phố thông qua và phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như: Hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; Thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; Hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.

Năm 2020, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở trình HĐND, UBND Thành phố thông qua và ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và một số chính sách đặc thù của Thành phố như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin tư vấn pháp lý; Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị....

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp được phê duyệt tại 2 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Trung tâm làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyên nghiệp, kết nối doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới liên kết các đơn vị hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội để từng bước trở thành một trong những đơn vị uy tín, đồng hành cùng doanh nghiệp Hà Nội trên con đường phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Quân

Với kinh nghiệm của ông trong quá trình làm việc và hỗ trợ doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Trong những năm qua, doanh nghiệp Hà Nội có bước phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết 30/4/2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn Hà Nội là 311.240 doanh nghiệp, đứng thứ 2 và chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của doanh nghiệp Hà Nội khoảng trên 10%/năm. Bình quân cứ trên 32 ngư¬ời dân Thủ đô có một doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,4 lần mức bình quân chung cả nước (bình quân chung cả nước khoảng 110 người dân/1 doanh nghiệp).

Về số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố Hà Nội là 192.166 doanh nghiệp. Sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ra đời, môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục gia nhập thị trường thông thoáng hơn đã tạo điều kiện cho số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng qua các năm từ năm 2016 đến năm 2020. Gấp 1,6 lần tăng 57,2% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó: năm 2016 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 22.666 doanh nghiệp (tăng 18% so với năm 2015), năm 2017 là 24.536 doanh nghiệp (tăng 8%); năm 2018 là 25.187 doanh nghiệp (tăng 3%) và năm 2019 là 27.114 doanh nghiệp (tăng 8%). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng tác động tới tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp thành lập mới là 23.346 DN (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng 4 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 8.680 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.931,9 tỷ đồng (tăng 12% về số lượng doanh nghiệp và giảm 19% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.145 doanh nghiệp (tăng 42% so với cùng kỳ), 5.931 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.660 doanh nghiệp (tăng 97% so với cùng kỳ).

Vì vậy, theo tôi đánh giá, tiềm năng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội hiện nay là rất lớn, bình quân giai đoạn 2016-2020, hàng năm thành phố Hà Nội có khoảng 25,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,69%/năm, cao hơn 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015 và cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước khoảng 1,8 lần. Với môi trường đầu tư kinh doanh năng động, thuận lợi, thông thoáng, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Thành phố thiết thực, kịp thời, hiệu quả, đội ngũ doanh nhân Thủ đô luôn bản lĩnh, năng động, sáng tạo sẽ là những cơ hội, những tiềm năng lớn để phát triển doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra được sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như điện tử, máy tính, xuồng thuyền máy, linh kiện ô tô.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đã vượt lên là đối tác của các hãng quốc tế có tên tuổi như Microsoft, Intel, Canon, Samsung... đã hình thành nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế; doanh nghiệp dân doanh đã có đóng góp tích cực cho thu ngân sách Thành. Đội ngũ doanh nghiệp đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...