Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng cho biết tập đoàn quyết liệt đầu tư vào hệ thống bán lẻ trước áp lực từ làn sóng xăng dầu ngoại - Ảnh: Hoài Dương
Sáng 19/12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức họp báo về tình hình sản xuất-kinh doanh năm 2017 của tập đoàn. Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết năm 2017, tập đoàn ước đạt doanh thu 152.900 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế khoảng 4.736 tỉ đồng.
Lãnh đạo Petrolimex đánh giá đây là kết quả khá tốt. Song, sự kiến trong năm 2018, tập đoàn sẽ đối mặt với không ít thách thức, khó khăn.
Liên quan đến việc Công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) và chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể tham gia vào hệ thống phân phối sẽ khiến Petrolimex bị cạnh tranh lớn, lãnh đạo tập đoàn cho biết tập đoàn đã có những bước chuẩn bị.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, từ góc độ thị trường, Petrolimex "bình tĩnh đón nhận" xu hướng này bởi thực tế, bất cứ nhà đầu tư nào đầu tư trực tiếp hay gián tiếp vào ngành lọc hoá dầu thì đều có quyền tham gia hệ thống phân phối.
Ông Dũng chia sẻ bản thân Petrolimex đã nhận được rất nhiều câu hỏi khi cửa hàng bán lẻ xăng dầu đầu tiên của người Nhật xuất hiện ở Hà Nội. "Khi đó, chúng tôi đã trả lời rằng chúng tôi đón nhận tín hiệu này một cách bình thường. Mỗi năm, bình quân Petrolimex phát triển thêm 70 cửa hàng bán lẻ, với các quy mô, vị trí khác nhau. Việc chuẩn bị cho sự cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt đối thủ tiềm năng từ nước ngoài, đã được chúng tôi tiến hành hàng chục năm nay"- ông Dũng khẳng định.
Lãnh đạo Petrolimex cũng chia sẻ thêm rằng bản đồ mạng lưới phân phối như hiện nay là kết quả 20 năm Petrolimex duy trì chiến lược đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Và, thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư… đánh giá cao Petrolimex cũng chính bởi mạng lưới phân phối này.
"20 năm trước, khi mới làm vào ở Petrolimex, tôi mới chỉ là một cậu sinh viên mới ra trường. Tôi nghe lãnh đạo bàn về việc sáp nhập công ty này, tiếp nhận công ty kia, nhưng trong đầu không hề có khái niệm gì về M&A, về phát triển mạng lưới. Đến giờ mới thấy được là lãnh đạo Petrolimex đã tính đến việc này từ 20 năm trước"- ông nói.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Dũng cho biết với một doanh nghiệp có lịch sử 61 năm như Petrolimex, phải mất khoảng thời gian ít nhất một nửa chặng đường đó để hình thành được hệ thống như đã có. Chưa kể, đây là hệ thống "chuyên biệt" bởi phải hiểu được thực tiễn kinh doanh, nắm bắt xu thế ngành nghề này của thế giới và khu vực. Do vậy, ông Dũng nhận định đây cũng là thách thức với nhà đầu khác để có thể bắt tay vào đầu tư một cách bài bản để thâm nhập vào thị trường xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định nói vậy không có nghĩa là Petrolimex không có sự thay đổi. "Trước vấn đề này, nội bộ Petrolimex đã thay đổi, định hướng năm 2018 quyết liệt đầu tư vào hệ thống bán lẻ với hơn 1.000 tỉ đồng"- ông Dũng thông tin.
82% số cửa hàng bán lẻ đã chuyển sang xăng E5 Liên quan đến triển khai nhiên liệu sinh học theo lộ trình, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết từ năm 2014, Petrolimex đã đầu tư hệ thống phối trộn riêng biệt, tự động hoá để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập đoàn cũng duy trì các điểm phối trộn nhỏ để đảm bảo cung ứng cho một số địa bàn không thuận lợi trong di chuyển. "Chúng tôi đã đưa E5 ra thị trường để về trước lộ trình Chính phủ quy định từ 10-15 ngày. Hiện, 82% cửa hàng bán lẻ của Petroliemx đã được thay thế xăng RON 92 bằng E5, tương ứng 1980 cửa hàng trên tổng số khoảng 2400 cửa hàng" – ông Dũng thông báo. Một loại nhiên liệu khác cũng lần đầu được đưa ra thị trường Việt Nam vào ngày 1-1-2018 là diesel 0,001S-V. "Việc kinh doanh diesel tiêu chuẩn mức V thay vì mức IV theo lộ trình là nỗ lực của Petrolimex để phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao nhất phù hợp với yêu cầu của động cơ, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường" – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Dũng bày tỏ. Về giá cả, dự kiến diesel 0,001S-V được bán ra thị trường với giá 15.210 đồng/lít, cao hơn diesel mức II, III là không đáng kể. |
Theo Người lao động