Pfizer: Thuốc kháng virus đang được thử nghiệm có khả năng giảm 89% nguy cơ Covid-19 trở nặng

Mới đây vào 5/11, công ty dược phẩm Pfizer cho biết thuốc kháng virus dùng để điều trị Covid-19 đang được thử nghiệm có khả năng giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người trưởng thành.
Pfizer: Thuốc kháng virus đang được thử nghiệm có khả năng giảm 89% nguy cơ Covid-19 trở nặng

Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc của Pfizer có hiệu quả vượt trội so với thuốc molnupiravir của Merck & Co Inc, được chứng nhận vào tháng trước giúp giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện ở bệnh nhân. Paxlovid đã được phát triển trong gần 2 năm qua. 

Loại thuốc của Pfizer, với tên gọi Paxlovid, có thể nhận được sự chấp thuận theo quy định của Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Pfizer cho biết họ có kế hoạch gửi kết quả thử nghiệm tạm thời lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn của Hoa Kỳ vào ngày 25/11. Thử nghiệm đã được dừng sớm do tỷ lệ thành công cao.

Tổng thống Joe Biden cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã bảo đảm đặt hàng hàng triệu liều thuốc Pfizer."Nếu được sự cho phép của FDA, chúng ta có thể sớm có được thuốc điều trị Covid-19 cho những người bị nhiễm bệnh", TT Biden cho biết. "Liệu pháp sẽ là công cụ mới nhất giúp bảo vệ mọi người khỏi những hệ luỵ tồi tệ nhất của Covid-19.”

Thuốc viên của Pfizer sẽ được dùng kết hợp với một loại thuốc kháng virus cũ có tên là ritonavir. Việc điều trị sẽ bao gồm ba viên thuốc được đưa ra hai lần mỗi ngày. 

Cổ phiếu của Pfizer đã tăng 11%, đóng cửa ở mức 48,61 USD/cp vào cùng ngày. Cổ phiếu của Merck & Co Inc giảm 10%, đóng cửa ở mức 81,61 USD. Cổ phiếu của các nhà sản xuất vaccine khác cũng đã bị ảnh hưởng, với Moderna Inc, Novavax và đối tác của Pfizer là BioNTech SE đều giảm 11-21%.

Pfizer đang thảo luận tích cực với 90 quốc gia về các hợp đồng cung cấp thuốc Paxlovid, Giám đốc điều hành Albert Bourla cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Mục tiêu của chúng tôi là tất cả mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận với nguồn cung thuốc nhanh càng tốt.”

Ông Bourla nói thêm, đối với các quốc gia có thu nhập cao, Pfizer dự kiến ​​sẽ định giá loại thuốc của mình gần với mức giá của Merck. Giá hợp đồng của Merck tại Hoa Kỳ là khoảng 700 USD cho một liệu trình điều trị kéo dài 5 ngày. Đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn, ông Bourla cho biết Pfizer đang xem xét một số lựa chọn khác, với mục tiêu "không gây ra rào cản và tạo điều kiện tiếp cận thuốc cho tất cả mọi nơi.”

Tuy nhiênm ngay cả với những loại thuốc điều trị của Pfizer và Merck, biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 và chấm dứt đại dịch chính là chủ động tiêm chủng vaccine ngay từ đầu, các chuyên gia cho biết. 

Tiến sĩ Grace Lee, giáo sư nhi khoa tại Đại học Y khoa Stanford cho biết: “Vaccine sẽ vẫn là công cụ hiệu quả và đáng tin cậy nhất mà chúng ta có hiện nay. Những loại thuốc uống sẽ giúp làm giảm khả năng trở nặng, nhập viện và tử vong nhưng chúng chẳng thể hạn chế việc lây nhiễm virus.” 

Trong khi hơn 7 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới, con số đó mới chỉ bao phủ được khoảng một nửa dân số toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, 58% tất cả người dân, bao gồm 70% người lớn, được tiêm chủng đầy đủ.

Mục tiêu sản xuất

Các phân tích được dựa trên thử nghiệm từ 1.219 bệnh nhân trong nghiên cứu của Pfizer đối với các trường hợp nhập viện hoặc tử vong ở những người được chẩn đoán mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình với ít nhất một yếu tố gây nguy cơ phát triển bệnh nặng, chẳng hạn như béo phì hoặc lớn tuổi.

Trong số những người được sử dụng thuốc của Pfizer trong vòng ba ngày kể từ khi có triệu chứng, thuốc giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho những người trưởng thành so với những người dùng giả dược. Trong số những bệnh nhân này, 0,8% phải nhập viện và không có trường hợp nào tử vong sau 28 ngày sau khi điều trị, so với tỷ lệ nhập viện 7% và 7 trường hợp tử vong ở nhóm dùng giả dược.

Tỷ lệ tương tự đối với bệnh nhân được điều trị trong vòng năm ngày kể từ khi có triệu chứng: 1% trong nhóm điều trị phải nhập viện, so với 6,7% ở nhóm giả dược. Pfizer cho biết điều đó thể hiện 85% hiệu quả trong việc giảm thiểu khả năng nhập viện hoặc tử vong.

Hai thử nghiệm khác - một thử nghiệm ở những người không có các nguy cơ tiềm ẩn và một thử nghiệm khác ở những người đã tiếp xúc với virú nhưng chưa bị nhiễm - vẫn đang tiếp tục, với những kết quả đó có thể sẽ có vào quý đầu tiên của năm 2022, ông Bourla chia sẻ. 

Pfizer không nêu chi tiết về các tác dụng phụ nhưng cho biết các tác dụng phụ đã xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân điều trị và dùng giả dược. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm buồn nôn và tiêu chảy.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...