Phán quyết vụ Vinasun kiện Grab: Vinasun được bồi thường 4,8 tỷ đồng

Tại phiên tòa sáng nay (28/12), Tòa nhận định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), tuyên buộc Công ty TNHH Grab V
Phán quyết vụ Vinasun kiện Grab: Vinasun được bồi thường 4,8 tỷ đồng

Grab là đơn vị kinh doanh vận tải

Tại tòa, HĐXX nhận định, Grab có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, đơn vị này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun.

Theo đó, trong văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền, Grab tự nhận là công ty công nghệ, không phải nhà cung cấp vận tải, chỉ cung cấp giao dịch ứng dụng điện tử, cung cấp công nghệ miễn phí cho khách hàng thông qua hợp đồng điện tử... đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Tuy nhiên, đây không phải là hợp đồng giao dịch điện tử theo Luật Giao dịch điện tử 2005; không tìm được nội dung hợp đồng, không thể hiện ký kết với ai, điều khoản tranh chấp giữa khách với Grab không thể hiện.

"Grab cho rằng chỉ là công ty cung cấp công nghệ, không hoạt động kinh doanh vận tải taxi, các tài xế do hợp tác xã quản lý... nhưng thực tế, Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab hoặc trả cho tài xế sau đó được chiết khấu. Việc thưởng, phạt lái xe do Grab quyết định - trái với Đề án 24", bản án nêu.

Hoạt động kinh doanh của Grab cũng không tuân thủ quy định. Theo luật, việc kinh doanh vận tải bằng ôtô phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có hợp đồng lao động, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông, không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động... Tuy nhiên, Grab không thực hiện quy định này, cũng như không nộp thuế.

Từ 2016 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập 129 biên bản vi phạm đối với Grab về việc không có giấy đăng ký kinh doanh, danh sách hợp đồng vận chuyển, phù hiệu, niêm yết khẩu hiệu tính mạng con người là trên hết... Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản yêu cầu Grab dừng ngay dịch vụ kết nối đối với xe hợp đồng nhưng đơn vị này phớt lờ đến 2 lần.

Grab còn vi phạm quy định pháp luật về khuyến mại, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày.

Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ bắt xe bằng công nghệ thuận lợi cho người dân, việc này cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại do cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế; khả năng thất thu thuế cao, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...

Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khỏi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng.

"Cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, HĐXX kiến nghị.

Viện kiểm sát thay đổi quan điểm

Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP HCM phát biểu quan điểm, đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Việc thay đổi quan điểm của VKS khiến hàng trăm tài xế Vinasun đã tụ tập giăng biểu ngữ phản đối trước cổng trụ sở Viện KSND TP HCM và hát hò trong khuôn viên TAND TP HCM.

Sau thời giam tạm dừng phiên xử, xét hỏi và tranh luận bổ sung thì quan điểm của Viện KSND đã thay đổi hoàn toàn so với ngày 23/10.

Cụ thể, VKS cho rằng Grab có những hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun và thiệt hại thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.

VKS cho biết, thông qua vụ án này, VKS sẽ có báo cáo đề xuất với VKSND tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 26/12, HĐXX thông báo khi Grab đề nghị hòa giải với Viansun, giải pháp Grab đưa ra là mua lại cổ phiếu của Vinasun, chịu lỗ 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên đơn trả lời do nội dung đàm phán không gắn với nội dung vụ án và không gắn với mối quan hệ nhân quả nên Vinasun không chấp nhận.

“Số tiền đó dù có lớn hơn nữa nhưng mục đích chúng tôi không phải vì khoản tiền đó mà mục đích chúng tôi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm sao làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab. Đây là lợi ích của đất nước, của quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh”, Vinasun nhấn mạnh trước tòa.

Ngày 23/10, phát biểu quan điểm lần đầu, Viện KSND đã nêu quan điểm đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần 41,2 tỷ đồng về thiệt hại phát sinh do Grab gây ra cho Vinasun.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...