Hàng loạt doanh nghiệp phát hành thêm giá bèo
Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long (mã: VHL) mới đây thông báo sẽ chào bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/CP, nguồn vốn huy động dự kiến để đầu tư vào Công ty cổ phần Viglacera Đông Triều và bổ sung vốn. Công ty đã chốt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm là 12/07/2017. Đồng thời, đây cũng là ngày chốt danh sách cổ đông hiện hữu được nhận cổ tức tiền mặt năm 2016 tỷ lệ 93,25%. Cổ đông hiện hữu được phép chuyển nhượng quyền mua từ ngày 21/07/2017 đến ngày 08/08/2017.
Hiện giá cổ phiếu VHL trên thị trường đang là 83.000 đồng/CP, tức giá chào bán chỉ bằng 12% giá hiện tại, có thể nói mức giá phát hành khá là ưu đãi. Hai cổ đông lớn nhất của Công ty hiện tại là Tổng công ty Viglacera - CTCP sở hữu 50,48% vốn và Andbanc Investments Sif-Vietnam Value And Income Portfolio sở hữu 15,15% vốn.
CTCP Chế tác đá Việt Nam (UPCoM: STV) cũng sẽ phát hành 4,48 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Ngày đăng ký cuối cùng là 06/07/2017, cổ đông được quyền chuyển nhượng quyền mua từ ngày 14/07/2017 đến ngày 09/08/2017.
Mức giá chào bán của STV cũng rất hấp dẫn khi mà giá trên thị trường của cổ phiếu này là ở mức 30,900 đồng/CP (tính đến phiên 05/07/2017), gấp hơn 3 lần.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) cũng thực hiện chào bán 252,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/CP, bằng gần 2/3 mức giá đang giao dịch trên thị trường. CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HOSE: KDH) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành hơn 93,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành dự kiến là 15.000 đồng/cp, bằng khoản phân nửa thị giá đang giao dịch.
Không kém cạnh, HĐQT CTCP Thép Việt Ý (mã: VIS) cũng vừa thông qua quyết định chào bán hơn 24,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 15.000 đồng/cp, khoảng 68% thị giá hiện tại (mức giá tại ngày 05/07/2017).
Món hời?
Bên cạnh phát hành với giá ưu đãi, thấp hơn thị giá khá nhiều thì cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu còn không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng, tức khi cổ phiếu phát hành thêm được niêm yết thì một thời gian ngắn sau đó cổ đông đã có thể bán ra trên thị trường. Ngay cả trường hợp nhà đầu tư khác mua quyền mua của cổ đông hiện hữu cũng không bị hạn chế chuyển nhượng. Và chỉ có trường hợp nếu cổ đông không thực hiện quyền mua hoặc thực hiện quyền mua không hết, số cổ phiếu còn lại được Hội đồng quản trị phân phối cho đối tượng khác mới bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Đối với cổ đông hiện hữu, cổ phiếu cho dù là phát hành giá bèo thì sau khi hoàn tất sẽ bị pha loãng nên có được hưởng lợi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ vọng sau đó của thị trường dành cho doanh nghiệp.
Còn nhớ vào tháng 3 và 4/2017, CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) thực hiện chào bán 129,5 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Vào thời điểm đó, giá giao dịch trên thị trường của BHS cũng chỉ nhỉnh hơn mức giá chào bán một chút là ở trên dưới 11.000 đồng/CP nhưng đã thu hút được lượng cổ đông hiện hữu mua đạt đến 97,6%, tức 126,4 triệu CP.
Sau gần 2 tháng hoàn tất đợt phát hành, giữa tháng 6 vừa qua lượng cổ phiếu trên của BHS đã chính thức đưa vào giao dịch trên thị trường. Lúc này giá của BHS trước thông tin sáp nhập vào CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) đã tăng một mạch từ 11.000 đồng/CP lên trên 20.000 đồng/CP. Như vậy, nếu cổ đông thực hiện chốt lời ngay khi hàng vừa về tài khoản thì đã đạt mức sinh lời lên đến 100%.
Một trường hợp khác, CTCP Du lịch Thành Thành Công (HOSE: VNG) vào tháng 2 và 3/2017 đã thực hiện chào bán 62,2 triệu CP ra công chúng giá 10.000 đồng/CP. Trong đợt phát hành này, cổ đông hiện hữu đã mua 88,78% và phần còn lại được phân phối cho các đối tượng khác dù giá của VNG thời điểm đó chỉ tương đương mệnh giá. Ngày 26/06 vừa qua, 55,2 triệu CP được cổ đông hiện hữu mua đã chính thức được giao dịch trên thị trường, mức giá hiện tại của cổ phiếu xoay quanh mốc 15.000 đồng/CP. Như vậy, nếu bây giờ nhà đầu tư thực hiện bán chốt lời thì mức tỷ suất sinh lời là 50%.
Ở khía cạnh khác, các cổ đông hiện hữu không đăng ký mua cổ phiếu thì vẫn có thể bán lại cho những nhà đầu tư khác có nhu cầu mua quyền mua cổ phiếu. Việc cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng là cơ hội kiếm lời chênh lệch cho những nhà đầu tư này sau 2 hay 3 tháng hoàn thành đợt chào bán. Ví như, HPG thực hiện phát hành cho cổ đông hiện hữu 252,8 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/CP, bằng gần 2/3 mức giá đang giao dịch trên thị trường thì thời gian gần đây đã có nhiều môi giới chào mua quyền mua cổ phiếu HPG. Mức giá chào mua ban đầu là 5.000 đồng/quyền mua 1 cổ phiếu, sau đó đẩy tăng dần lên 9.000 thậm chí 9.500 đồng/quyền mua 1 cổ phiếu.
Những trường hợp như BHS, VNG đã đem lại cho nhà đầu tư mức sinh lời đáng mơ ước chỉ sau 2 hay 3 tháng. Tuy nhiên, cũng có lúc nhà đầu tư bị vỡ mộng. Cách đây 1 hay 2 năm, rất nhiều doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR), CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) hay CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG)… thực hiện tăng vốn khủng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP và sau đó cổ phiếu rơi dần về dưới mệnh giá khiến cổ đông nào lỡ tin tưởng bỏ tiền bị lỗ trầm trọng.
Theo Ngọc Điểm/NDH
>> ROS dừng phương án phát hành 25% cho cổ đông hiện hữu