Phát hiện 145 vụ vi phạm kinh doanh vàng trong 4 tháng đầu năm

Trước tình hình thị trường vàng diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu vàng. Theo đó, lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm vụ vi phạm về kinh doanh vàng với tổng số tiền xử phạt lên tới hàng tỷ đồng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lực lượng quản lý thị trường đang kiểm tra tại 1 cơ sở kinh doanh vàng
Lực lượng quản lý thị trường đang kiểm tra tại 1 cơ sở kinh doanh vàng

Theo Tổng cục quản lý thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện 145 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, tổng giá trị hàng hóa 6,8 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra 18 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 222 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 5 vụ. Trong đó đã xử lý 1 vụ, 4 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, với trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,8 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang kiểm tra tiệm vàng Kim Hương Dinh tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, phát hiện số lượng lên tới hàng chục nghìn sản phẩm vàng, vàng trắng đang được bày bán có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền...

Đồng thời, cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet.

Kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp; vi phạm biển hiệu; không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính.

Theo quy định, vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức. Trước đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa.

Bên cạnh việc kiểm tra tại các tiệm vàng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với ban ngành tại địa phương theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội. Đây cũng là hoạt động kiểm tra đồng loạt và gắt gao nhất từ đầu năm đến nay sau công điện của Thủ tướng về kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện các thương hiệu nổi tiếng hoặc phổ biến của nước ngoài như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès… thường bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng tiêu dùng. Trong đó có mặt hàng thời trang, trang sức xa xỉ phẩm được chế tác từ vàng bạc và kim loại quý.

Nguyên nhân bởi một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm trang sức có gắn các thương hiệu nổi tiếng, có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, các cửa hàng vàng thường chế tác, bày bán trà trộn sản phẩm trang sức xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để dễ tiêu thụ, thu lời bất chính.

Việc vi phạm giả mạo nhãn hiệu đối với mặt hàng trang sức phổ biến được phát hiện thời gian qua là chạm trổ lên trang sức các nhãn hiệu đang được bảo hộ, chế tác các bộ phận của trang sức chứa nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trị giá hàng hóa vi phạm từ 200 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 226 bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Có thể bạn quan tâm