Phó Thống đốc nói gì khi người dân sử dụng hình ảnh tĩnh để qua mặt sinh trắc học ngân hàng

Sau khi áp dụng xác thực sinh trắc học, thử nghiệm một số app ngân hàng tại Việt Nam cho thấy hệ thống xác thực bị đánh lừa bởi ảnh tĩnh, thay vì khuôn mặt thật của người dùng...

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng

Sáng nay (4/7), Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng".

Tại hội thảo, chia sẻ về hiện tượng được báo chí phản ánh là người dân dùng hình ảnh in để đánh lừa sinh trắc học ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, do số lượng giao dịch trong ngày tăng đột biến nên một số ngân hàng đã tạm tắt chức năng sinh trắc học để đảm bảo tính ổn định, thông suốt của hệ thống.

Bởi theo ông Dũng, xác thực sinh trắc học là thêm 1 lớp bảo vệ, tức các lớp bảo vệ trước đây vẫn hoạt động bình thường. Do đó, nếu có tạm tắt xác thực sinh trắc học thì các giao dịch của khách hàng vẫn được đảm bảo.

"Yêu cầu nhất quán trong giai đoạn đầu là phải đảm bảo tính thông suốt. 3 ngày vừa rồi là những ngày vô cùng căng thẳng của ngành ngân hàng", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Đồng thời, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng thừa nhận, một số vướng mắc trong quá trình triển khai xác thực sinh trắc học khác như quét NFC, căn cước công dân gắn chip... đặc biệt tình trạng không chuyển được tiền trong ngày đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học là có thật.

Tuy nhiên, tình trạng trên đã được ngành ngân hàng dốc lực giải quyết trong những ngày tiếp theo. Và đến nay cơ bản đã ổn định và thông suốt. Những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip đã được ngân hàng hướng dẫn và hỗ trợ khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...

Hiện tại, hệ thống ngân hàng có khoảng 170 triệu tài khoản. Theo đó, con số 16,6 triệu này tương ứng số tài khoản ngành ngân hàng mở cho khách hàng trong 1 năm hoạt động hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, trong ngày đầu Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực (1/7/2024), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10 - 20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng.

"Sang ngày 2 - 3/7 thì các giao dịch cơ bản được thông suốt. Bình quân 1 ngày trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng có khoảng 1,8 - 2 triệu giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Dũng, vừa qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng tiên phong ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công An, giúp khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học qua kết nối VneID.

Nhờ đó, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và VNeID. Việc này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại kết nối NFC.

"Đây là những giải pháp nổi bật, mang tính hệ thống mà ngành ngân hàng chuẩn bị để đáp ứng quy định về xác thực sinh trắc học. Đồng thời, tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Công an trong quá trình thực hiện Quyết định 2345", ông Dũng nói.

Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1/7/2024.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Việc triển khai quyết định này góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.

Xem thêm

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chuẩn bị sẵn phương án xử lý khó khăn khi xác thực sinh trắc học từ 1/7

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chuẩn bị sẵn phương án xử lý khó khăn khi xác thực sinh trắc học từ 1/7

Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hướng dẫn triển khai Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng...

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...