Phó Thủ tướng nêu hàng loạt nhiệm vụ với ngành xây dựng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh 3 nội dung “bứt phá” về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm
Phó Thủ tướng nêu hàng loạt nhiệm vụ với ngành xây dựng

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng diễn ra sáng 4/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

“Trong kết quả chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành xây dựng, một trong những ngành sản xuất vật chất quan trọng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù Bộ đã tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng song một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều vướng mắc chậm được giải quyết.

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả.

“Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các khu du lịch, đặc biệt là khu du lịch ven biển còn thiếu kiểm soát, còn thiếu các không gian công cộng cho người dân, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nói.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được triển khai tích cực song còn những tồn tại phải tiếp tục khắc phục. Việc xây dựng, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật còn chậm, đặc biệt là các định mức mới, áp dụng kỹ thuật cao. Việc lựa chọn nhà thầu nhiều nơi còn hình thức, năng lực nhiều nhà thầu xây dựng còn thấp. Công tác kiểm soát chất lượng xây dựng còn chưa hiệu quả, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Tình trạng thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để.

Ghi nhận nhiều nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu chặt chẽ.

“Đặc biệt, tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, vật liệu nạo vét tại cửa sông, biển chưa được sử dụng phù hợp, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để có thể phân loại, sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện và vật chất nạo vét để san lấp nền, làm vật liệu xây dựng.

Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung bứt phá gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.

Kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch

Để thực hiện được 3 nội dung bứt phá đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ xây dựng cần dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.

Cùng với đó cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng… để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, đặc biệt là hợp tác công tư PPP làm cơ sở để triển khai các công trình đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Yêu cầu thứ hai được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành xây dựng là tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật…

“Công tác phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản còn chưa thực sự chặt chẽ, còn tình trạng phát triển theo phong trào, chưa tuân thủ đúng nguyên tắc phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Nếu không có giải pháp kiểm soát sẽ đối mặt với nhưng rủi ro lớn trong tương lai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển của các vùng, miền, địa phương, các cực tăng trưởng…

“Bộ Xây dựng phải chủ động phối hợp với TP. Hà Nội để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng phát triển mạnh khu vực Bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô; phối hợp với các đô thị lớn để kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, kiểm soát tầng cao, mật độ dân số…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Việc cải tạo các chung cư cũ còn chậm, chưa có lối ra”, Phó Thủ tướng nhận xét và yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị để cân đối nguồn lực, lộ trình, kiểm soát quá trình phát triển các khu đô thị mới, chú ý các công trình dịch vụ thiết yếu.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng công trình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành xây dựng nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi và sự chủ động tối đa cho các địa phương.

Ngành cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý các thiếu sót, sai phạm; qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan; tập trung công tác tái cơ cấu, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt các viện nghiên cứu, trường đào tạo trọng điểm của ngành...).

Bộ có cơ chế khuyến khích, địa phương cần vào cuộc phát triển nhà ở xã hội

Phó Thủ tướng đã dành khá nhiều thời lượng để nêu thực trạng và yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp phát triển nhà ở xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, cơ cấu phát triển nhà ở hiện đang mất cân đối, thiếu nhiều nhà ở giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân. Đặc biệt, nhà ở xã hội ít được các địa phương quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển.

“Người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế đang rất thiếu nhà ở. Các địa phương phải vào cuộc mới giải quyết được. Địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đến tăng trưởng, chưa quan tâm đến đời sống công nhân”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị trong thời gian tới, Bộ Xây dựng phải có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở giá thấp; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội.

“Phải gắn phát triển Khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp với phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở cho công nhân. Quy hoạch đô thị, nhà ở phải tránh ‘cắt khúc’ để người công nhân thuận lợi trong công việc và sinh hoạt, giảm thời gian đi lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng, quy hoạch, thủ tục... liên quan đến các dự án bất động sản; nghiên cứu, đề xuất các quy định quản lý liên quan đến các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát tốt, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới; gắn phát triển thị trường bất động sản với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình phát triển Nhà ở xã hội.

Đối với thị trường vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải nắm chắc diễn biến, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là các vật liệu chủ yếu. Rà soát, sớm xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu không nung, vật liệu xây dựng mới.

Theo Xuân Tuyến – Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...