Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 364/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 để chỉ đạo và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trong việc lập quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 Hội nghị toàn quốc ngày 19/8/2021 và ngày 2/3/2022 về các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác quy hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch nhìn chung còn chậm và còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương chưa kịp thời; việc tích hợp các quy hoạch cấp thấp vào cấp cao hơn, giữa các quy hoạch ngành quốc gia... còn lúng túng; công tác thẩm định quy hoạch gặp nhiều khó khăn;...
Để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch trong sự phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và cả nước. Xác định rõ công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch, coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.
Thứ hai, chủ động có kế hoạch, lộ trình, biện pháp, phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, công việc cụ thể; tập trung ưu tiên nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường công tác phối hợp hiệu quả hơn nữa để hoàn thành việc lập quy hoạch, trình cấp thẩm quyền phê duyệt bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt theo quy định; đồng thời khẩn trương lập quy hoạch 5 vùng: Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia theo nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo và khẩn trương thực hiện hoàn thành việc lập các quy hoạch ngành quốc gia theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành việc lập quy hoạch của tỉnh mình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.
Hội đồng thẩm định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, tập trung thẩm định quy hoạch bảo đảm chất lượng theo quy định và đáp ứng tiến độ đề ra.
Thứ ba, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, tổ chức không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, gửi đến Cổng Thông tin và Cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh, bảo đảm được tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
Thứ tư, cung cấp đầy đủ, kịp thời dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý để bổ sung, cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai lập đồng thời các quy hoạch để kết nối đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra; xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra việc lợi dụng trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.
Thứ sáu, rà soát, đề xuất những vấn đề còn bất cập, vướng mắc của Luật Quy hoạch như: việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, việc tích hợp quy hoạch cấp thấp vào cấp cao hơn và giữa các quy hoạch ngành quốc gia,... để kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo. Tiếp tục rà soát, tổng hợp những nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch còn chồng chéo, chưa thống nhất, đề xuất sửa đổi, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp, kịp thời.