​Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Thí điểm cho phá sản ngân hàng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.
​Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Thí điểm cho phá sản ngân hàng

“Lập ngân hàng cổ phần rồi để nhà nước phải mua lại 0 đồng, nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Giải pháp mạnh: cho phá sản ngân hàng

Đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, ông Huệ cho biết hiện nay báo chí, dư luận đang quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực nhà nước để giải quyết nợ xấu. “Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém” - ông nói.

Theo Phó thủ tướng, thực tế hiện nay chúng ta đang dùng nguồn lực nhà nước rồi, khi một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tức là nếu cho phép ngân hàng trích lập 100 đồng vào chỗ này thì ngân sách đóng 25 đồng rồi, bởi vì không cho trích lập thì nhà nước thu được 25 đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Rồi khi nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt thì có nghĩa là dùng ngân sách nhà nước rồi, bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%.

“Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”-Ông Huệ nhấn mạnh

Không thể ném tiền vào những dự án như Gang thép Thái Nguyên

Phó thủ tướng khẳng định trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới. Ông cho biết: “Trước đây cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp, mỗi anh một tí thôi. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn”.

“Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin. Tuần này Chính phủ đốc thúc rất quyết liệt. Anh nào trốn tránh thì trước hết công khai lên để dân biết”.

“Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Không cho lạm dụng từ tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì có mà chết), dứt khoát phải xử lý”.

“Không nói đến tái cơ cấu mà nói là xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thu lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả. Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ

Có thể bạn quan tâm

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…