Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý tình trạng tăng giá thuê tàu và container

Bộ Công thương và Bộ GTVT được giao kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý tình trạng tăng giá thuê tàu và container

Đây là nội dung chính trong công văn số 334/VPCP – KTTH ngày 14/1/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng liên quan đến chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trước tình trạng nêu trên. Hai bộ trên cũng được yêu cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12/2020, Bộ Công thương cho biết là việc, việc tăng giá cước tàu biển, giá thuê container rất cao trong thời gian vừa qua gây ra tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam .

Theo Bộ Công thương, do tác động của dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội, năng lực xử lý hàng của các cảng ở Châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm dẫn đến các hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyển, chỗ chở hàng. Tác động của dịch Covid-19 cũng làm cho năng lực sản xuất của các khu vực như Mỹ La-tinh, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm, do vậy Hoa Kỳ và Châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. 

Bên cạnh đó, việc phong tỏa do dịch Covid-19 tại các nước dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực xử lý hàng hóa, do vậy container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và Châu Âu trong khi lại thiếu hụt ở Trung Quốc và khu vực Đông Á, từ đó đẩy giá thuê container lên cao.

Tình trạng thiếu container rỗng ở Trung Quốc diễn ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn nên Trung Quốc tìm cách thu gom container từ các nước, lượng vỏ container bị "hút" về Trung Quốc nhiều gây nên tình trạng khan hiếm vỏ container nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Về chủ quan, Bộ Công thương cho rằng hiện năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng, do vậy phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài. 

Việc ứng dụng công nghệ để quản lý và thu gom container trong nước còn chưa được rộng rãi, chưa kết nối được giữa các doanh nghiệp logistics, đại lý hãng tàu và các doanh nghiệp chủ hàng có nhu cầu sử dụng container, dẫn đến tình trạng tồn đọng, khan hiếm container cục bộ.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang áp dụng phương thức "bán FOB". Với phương thức này, người mua phải chịu chi phí thuê tàu và container, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chỉ trả các chi phí nội địa như việc lấy container từ depot về để đóng hàng.

Do vậy, việc tăng giá cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng việc hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chi phí lưu kho, lưu bãi bị đội lên ước tính từ 5 - 10% giá trị lô hàng. Hàng hóa không chuyển đi được khiến khách hàng không thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam không thu được tiền về để tiếp tục sản xuất.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng phương thức "bán C&F" hoặc "bán CIF", việc phải chi trả tăng thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD cho mỗi container làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến, các khoản chi này không được dự tính trước và mức tăng quá cao sẽ làm doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại, thua lỗ. 

Việc tăng giá cước thuê tàu cũng gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như phí xếp dỡ (THC), phí mất cân bằng container (CIC), phụ phí mùa cao điểm, vv... và các khoản phí này phía doanh nghiệp Việt Nam phải chịu. 

Theo Bộ Công thương, các nước trên thế giới cũng đã có một số động thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trước tình hình cước tàu biển tăng.  

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container hiện nay là một phản ứng chung của thị trường toàn cầu trước tình trạng lan truyền và tác động sâu sắc của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, do vậy khả năng tác động, điều tiết của các Chính phủ đối với vấn đề này rất hạn chế.

Mặc dầu vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, tiến hành kiểm tra việc chấp hành Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời rà soát, thống kê số lượng các depot container và yêu cầu các hãng tàu báo cáo thường xuyên về tình hình lượng container rỗng tại Việt Nam. 

Giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu để phối hợp sử dụng hợp lý, hiệu quả container, trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời để tận dụng tối đa luân chuyển container hai chiều; đồng thời kiểm tra khả năng các hãng tàu liên kết với nhau để nâng giá cước, găm giữ container rỗng nhằm thu lợi, qua đó đẩy giá thuê container lên cao.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...