Phó Tổng giám đốc Eximbank khẳng định sẽ không thu khoản nợ 8,8 tỷ

Vụ chủ thẻ tín dụng Eximbank nợ 8,5 triệu phải trả 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đã có phương án giải quyết khi 2 bên làm việc với nhau. Nhiều chuyên gia lưu ý, chỉ cần một chút lơ là, sơ sảy, khách hàng dễ dàng dính “bẫy nợ” từ phương thức thanh toán thời 4.0 này...

eximbank .jpeg

Trong buổi họp báo kinh tế - xã hội tại TP.HCM vào chiều ngày 21/3, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, trong vụ khách hàng nợ thẻ tín dụng hơn 8,8 tỷ đồng, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền. Ngân hàng đã làm việc với khách hàng và chắc chắn không có khoản nợ 8,8 tỷ nêu trên.

NHÂN VIÊN VƯỢT THẨM QUYỀN, “ĐÒI NỢ” KHÁCH HÀNG

Theo ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, sản phẩm thẻ của khách hàng P.H.A là thẻ tín dụng quốc tế. Khi đưa ra chính sách lãi, phí của sản phẩm, ngân hàng đều tham khảo thông lệ thị trường và các sản phẩm tương đồng có trên thị trường.

Ngân hàng cũng có quy định trường hợp khách hàng nợ thẻ quá hạn, cán bộ xử lý phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo mức thu lãi, phí. Mức phí, lãi này phải trình cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt trước khi làm việc với khách hàng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền, khiến khách hàng bức xúc.

Đến sáng 19/3, Eximbank đã gặp gỡ khách hàng và hai bên thống nhất phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi của đôi bên. "Chắc chắn sẽ không có khoản nợ 8,8 tỷ đồng như vừa qua", lãnh đạo Eximbank khẳng định.

9-ong-nguyen-ho-hoang-vu-pho-tong-giam-doc-ngan-hang-tmcp-xuat-nhap-khau-eximbank-3-1711021395948293090342-625.jpeg
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Eximbank

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chỉ đạo đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng rà soát lại các chủ thẻ để tìm hiểu các chủ thẻ đã lâu không sử dụng thẻ, cũng như phát sinh các trường hợp tương tự để làm việc và tìm sự thống nhất, thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.

Trong cung cấp sản phẩm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tư vấn đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm mình cung cấp để khách hàng được nắm, được hiểu. Đồng thời, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì khi cung cấp các sản phẩm dịch vụ phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí đó. Đối với lãi suất cho vay, Chính phủ cũng như ngành ngân hàng đã quy định công bố lãi suất cho vay bình quân.

"Thêm nữa, trong tương tác giữa khách hàng và ngân hàng, chúng tôi cho rằng ngân hàng cần phải thông tin đến khách hàng bằng các biện pháp để đảm bảo những biến động về số dư tài khoản sẽ được thông tin đến khách hàng", ông Võ Minh Tuấn nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, các ngân hàng cần ý thức được rằng nếu còn để xảy ra những sự việc như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của ngân hàng.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Do vậy, ngân hàng phải hết sức quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng để giải quyết được câu chuyện đôi bên cùng có lợi, hợp tác để cùng nhau thụ hưởng, chia sẻ những lợi ích chung.

Nói thêm về cách tính lãi của Eximbank, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Con số gốc từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm tăng 1.000 lần thành 8,8 tỷ đồng, bất kỳ ai nghe qua đều thấy không hợp lý trong việc tính lãi".

Theo ông Tuấn, đây là cách tính lãi kép. Trong tất cả các giao dịch, riêng giao dịch thẻ tín dụng có nhiều đơn vị tính lãi như vậy. Còn với các giao dịch thông thường khác thì quy định không được tính lãi kép.

NGƯỜI DÙNG CẦN LƯU Ý KHI DÙNG THẺ TÍN DỤNG

Từ sự việc nêu trên, trong những ngày qua, không ít khách hàng đã liên hệ, thậm chí đến tận các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để yêu cầu kiểm tra tài khoản, nợ xấu và hủy thẻ tín dụng đã mở trước đó.

Theo nhiều chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất để không quên thanh toán dư nợ thẻ tín dụng là đăng ký dịch vụ ghi nợ tự động tài khoản thanh toán.

Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu về nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng.

Thậm chí, nếu khoản nợ của khách hàng quá hạn 6 tháng, ngân hàng có quyền khóa thẻ tín dụng của bạn. Do đó, khách hàng nên ưu tiên thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất là thanh toán dư nợ tối thiểu để không bị phạt trả chậm.
Với các khoản nợ quá hạn, khách hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình theo luật ngân hàng Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng: “Chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng”.

Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng còn chịu phí phạt quá hạn thanh toán. Đặc biệt, căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt cho thấy, trả nợ thẻ tín dụng là trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, người không trả nợ thẻ tín dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ.

Thực tế cho thấy, không ít chủ thẻ tín dụng dính vào nợ xấu, do không trả nợ sau 45-55 ngày miễn lãi. Đáng chú ý là đối với những thẻ tín dụng phát hành cách đây gần chục năm, khách hàng không còn sử dụng nhưng quên trả nợ hoặc trả chưa hết nợ thì dù chỉ còn dư nợ rất nhỏ vẫn có thể dẫn đến nợ xấu rất lớn.

Bởi thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, thường khoảng 25 - 40%/năm tùy thuộc vào ngân hàng, chưa kể phí phạt trả chậm. Do đó, người dùng thẻ tín dụng cần chú ý tới các khoản chi tiêu của mình để trả nợ đúng hạn hay còn gọi là “lãi kép”, tránh để phát sinh lãi chồng lãi trong thời gian dài.

Thêm vào đó, nếu bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu (theo phân loại trên CIC) sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn của ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó trong tương lai.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị với người dùng thẻ tín dụng cẩn trọng để tránh “bẫy” lãi suất và nợ xấu phát sinh. Đồng thời khi có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, mỗi khách hàng cần ý thức quản lý tài chính của mình và phải có ý thức trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...