Sau “tối hậu thư” của Ngân hàng Nhà nước, nhiều nhà băng “rục rịch” công bố lãi suất cho vay bình quân

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân. Đến nay, đã có một ngân hàng thực hiện lãi suất cho vay, tuy nhiên số lượng không nhiều...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau “tối hậu thư” của Ngân hàng Nhà nước, nhiều nhà băng “rục rịch” công bố lãi suất cho vay bình quân

Theo khảo sát trên website của các ngân hàng thương mại, tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số tổ chức công bố lãi suất cho vay bình quân sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này đang niêm yết lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm. Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân kỳ tháng 3/2024 là 3,12%/năm.

anh-chup-man-hinh-2024-03-21-luc-120034-7041.png
Nguồn: BIDV

Hay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), lãi suất suất cho vay bình quân được ngân hàng này ấn định là 7,76%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại ngân hàng này ở mức 3,75%/năm.

Trước đó, tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành công văn đốc thúc các ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, hạn cuối là ngày 1/4/2024.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm, nhu cầu vay vốn chưa thật sự mạnh mẽ trở lại, thậm chí tính đến ngày 16/2/2024 tăng trưởng tín dụng còn đang ghi nhận mức giảm 1% so với cuối năm 2023, việc tìm kiếm khách hàng tốt có nhu cầu vay là không dễ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, việc công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn ngân hàng để vay, kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là cách tạo cạnh tranh công khai, lành mạnh cho các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, nhiều tổ chức tín dụng có vẻ tỏ ra “dè chừng” trong việc công bố lãi suất cho vay bình quân. Bởi lẽ đối với các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ, có thế mạnh về cho vay bán lẻ, tệp khách hàng tín dụng cá nhân là chủ yếu, các sản phẩm tín dụng trọng tâm là cho vay tiêu dùng, mua nhà đất, ô tô, với kỳ hạn vay dài, các sản phẩm cho vay tín chấp, thì ắt hẳn lãi suất cho vay bình quân sẽ neo ở mức cao.

Ngược lại, với những tổ chức tín dụng có quy mô lớn, tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn với các khoản vay sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động thường có kỳ hạn ngắn, hoặc cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với lãi suất ưu đãi, dĩ nhiên sẽ có mức lãi suất cho vay bình quân thấp... Theo đó, các ngân hàng với mức lãi suất cho vay bình quân thấp sẽ có lợi thế ngay từ ban đầu trong việc thu hút khách hàng tín dụng.

Trước mâu thuẫn nêu trên, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra cuối tháng 2/2024, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã quán triệt: Nếu các tổ chức tín dụng không thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân thì không chỉ Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá mà nền kinh tế, doanh nghiệp đánh giá. Hoặc nếu các ngân hàng chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn vì lãi suất này thấp thì cũng không công bằng.

"Đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Vì vậy, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất, việc này công bố không có gì khó khăn", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm