Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng, giá USD vẫn liên tục “phá đỉnh”

Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi hệ thống nhằm "xoa dịu" tỷ giá. Dẫu vậy, giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục tăng và lập đỉnh mới…

Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng, giá USD vẫn liên tục “phá đỉnh”

Theo khảo sát ngày 15/3, giá USD tại các ngân hàng thương mại bất ngờ tăng mạnh và chính thức vượt đỉnh cuối năm 2022, lên trên mốc 24.900 USD/VND.

Điển hình như tại ngân hàng Vietcombank, giá USD đang được niêm yết ở mức 24.570 - 24.910 USD/VND, tăng 60 đồng so với hôm qua. Đây là mức niêm yết cao nhất tại Vietcombank từ trước đến nay.

Ngân hàng VietinBank nâng giá USD lên 51 đồng, mua vào ở mức 24.486 USD/VND và bán ra ở mức 24.906 USD/VND. Còn ngân hàng BIDV áp dụng 24.580 - 24.890 USD/VND, tăng 35 đồng so với hôm qua.

Giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng lên quanh mốc 24.900 USD/VND, thậm chí, có ngân hàng sát mốc 25.000 USD/VND. Trong đó, Techcombank tăng khoảng 55 đồng lên 24.565 - 24.908 USD/VND.

Tại ACB, giá USD giao dịch theo hình thức tiền mặt được niêm yết ở mức 24.540 - 24.940 USD/VND, theo hình thức chuyển khoản là 24.590 - 24.890 USD/VND. Trong khi đó, Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.530-24.995 USD/VND (mua vào - bán ra), tăng 53 đồng so với hôm qua.

Không chỉ trên thị trường ngân hàng, giá USD thị trường tự do hôm nay cũng đảo chiều tăng mạnh. Hiện giá mua vào phổ biến 25.500 USD/VND và giá bán ra khoảng 25.550 USD/VND, tăng khoảng 100-120 đồng so với hôm qua.

Như vậy, giá mua USD trên thị trường tự do vẫn cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 900 đồng, còn giá bán cao hơn khoảng 600 đồng.

Điều đáng nói, diễn biến tăng lên mức kỷ lục của tỷ giá USD/VND diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp xoa dịu thông qua việc liên tục chào bán tín phiếu.

Sau 4 phiên từ 11-14/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi hệ thống. Các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thông qua việc hút về tiền VND, lãi suất VND trên liên ngân hàng sẽ tăng lên và thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó hạn chế hiện tượng đầu cơ USD trên thị trường.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đã công bố báo cáo phân tích. Theo báo cáo, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Các chủ thể tham gia mua bán tín phiếu có Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước.

Mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.

Nhìn lại đợt phát hành tín phiếu gần nhất là giai đoạn 21/9 - 8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 194.649 tỷ đồng trong giai đoạn này. Động thái hút tiền diễn ra khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh (tăng 3,48% từ đầu quý 3/2023 đến 21/9/2023). Cũng trong giai đoạn này, thanh khoản hệ thống dư thừa với lãi suất liên ngân hàng từ tháng 7/2023 ở mức thấp dưới 1%.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, tỷ giá bắt đầu giảm và duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11/2023. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng mạnh hơn 2% trong giai đoạn 21/9-25/10/2023 – phản ứng với động thái hút tiền, nhưng sau đó cũng nhanh chóng giảm trở lại.

Đối với đợt phát hành từ ngày 11/3/2024, Chứng khoán BSC cho rằng lý do Ngân hàng Nhà nước trở lại sử dụng công cụ tín phiếu là để hỗ trợ cho tỷ giá khi tỷ giá vừa qua tăng mạnh do chênh lệch lãi suất VND và USD; chỉ số DXY-Index tăng nhưng vẫn ở mức thấp 102.8 điểm; Fed phát tín hiệu lùi thời điểm hạ lãi suất từ quý 1 sang quý 2/2024.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích Chứng khoán BSC cũng dự báo quy mô hút ròng giai đoạn này có thể khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng. Lãi suất tín phiếu trung bình khoảng 1-1,3%/năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...