Kết thúc phiên 28/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 116,07 điểm (+0,35%) lên 33.666,34 điểm, S&P 500 thêm 25,19 điểm (+0,59%) thành 4.299,70 điểm và Nasdaq Composite tăng 108,43 điểm (+0,83%) ở mức 13.201,28 điểm.
Trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, dịch vụ truyền thông có mức tăng lớn nhất là 1,2%, xếp sau đó là nhóm vật liệu, tăng 1%. Lĩnh vực tiện ích nhạy cảm với lãi suất tiếp tục đà trượt dốc, giảm mạnh 2,2%.
S&P 500 đã giảm hơn 6% kể từ cuối tháng 7 nhưng vẫn tăng khoảng 12% trong năm 2023.
Những tên tuổi công nghệ lớn, bao gồm Alphabet Inc Class A và Meta Platforms Inc đều đã giúp thị trường rộng lớn hơn phục hồi sau tình trạng bất ổn gần đây.
Trong khi đó, Apple kết thúc ngày tăng nhẹ dù cho tâm lý của giới đầu tư về cổ phiếu Nhà Táo tiếp tục bị lung lay bởi các báo cáo cho rằng iPhone 15 đang gặp phải nhiều vấn đề, bao gồm cả tình trạng máy quá nóng.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Micron Technology mất 4,4% sau khi công ty sản xuất chip dự báo khoản lỗ lớn hơn dự kiến.
Cổ phiếu của Accenture trượt 4,3% bởi dự báo thu nhập cả năm và doanh thu quý đầu tiên của công ty dịch vụ công nghệ thông tin này thấp hơn mục tiêu của Phố Wall.
Khoảng 10,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn so với mức trung bình hàng ngày là 10,3 tỷ trong 20 phiên vừa qua.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến ở Washington để xem liệu các nhà lập pháp Mỹ có thể ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa hay không.
Việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, vốn đã đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước đưa ra tín hiệu “diều hâu” đối với triển vọng lãi suất trong dài hạn.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 đã tạm ổn định xuống mức 4,6% trong phiên 28/9, điều mà một số chuyên gia cho rằng đã mang lại sự nhẹ nhõm.
Matt Stucky, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Northwestern Mutual Wealth Management Co., nhận định: “Thị trường nói chung thực sự đã rất biến động trong vài ngày qua. Dự kiến sẽ có một đợt phục hồi trong thời gian tới”.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng khá vững chắc trong quý 2.
Bên cạnh đó, một vài số liệu riêng biệt chỉ ra rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng nhẹ vào tuần trước và số hợp đồng mua nhà hiện tại trong tháng 8 giảm nhiều hơn dự kiến.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào 29/9 để có cái nhìn mới hơn về lạm phát. Bà Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết: “Đây là điểm dữ liệu quan trọng nhất của Mỹ trong tuần này và ngày càng có nhiều dự đoán hy vọng rằng nó sẽ không tăng lên”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm khoảng 1% vào phiên 28/9 do các nhà giao dịch chủ động chốt lời sau khi giá chạm mức cao nhất trong 10 tháng và một số lo ngại rằng lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 12 mất 1,3% xuống mức 93,10 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 1,97 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 91,71 USD/thùng.
Trước đó, tình trạng nguồn cung khan hiếm và dự trữ tồn kho đã nâng giá dầu Brent giao tháng 11 đạt 97,69 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu WTI cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 là 95,03 USD/thùng.