Phòng gym cao cấp tự ý đóng cửa và chuyện "đuổi gà đã thả" của khách hàng

Liên tiếp nhiều thương hiệu phòng gym cao cấp bất ngờ thông báo đóng cửa, khách hàng chỉ biết “than trời” khi bỏ cả trăm triệu ra mua thẻ tập trọn gói…

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai chuỗi phòng gym lâu năm ở TP.HCM là Fit24 và Getfit Gym & Yoga tuyên bố tạm đóng cửa, dừng hoạt động. Quyết định này đã khiến hàng nghìn hội viên đang sở hữu gói tập giá trị cao gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi và kiếm tìm giải pháp hỗ trợ.

HIỆU ỨNG DOMINO CỦA CÁC ÔNG CHỦ PHÒNG GYM

Thị trường phòng tập gym cao cấp đang đối mặt với một cơn bão khi ngày càng nhiều cơ sở phải tạm đóng cửa, dừng hoạt động. Vấn đề lớn mà hầu hết các thương hiệu này đang gặp là thiếu hụt nguồn vốn đầu tư xoay vòng để vận hành hoạt động. Cùng với đó là những khó khăn về tài chính như giá thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân sự... hay sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chuỗi. Đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành này còn bị chi phối theo trào lưu thể dục mới được thúc đẩy bởi mạng xã hội.

So với thời điểm trước dịch, một số chuỗi phòng gym như CityGym, 25 Fit, Diamond Fitness Center… đã thu hẹp hoạt động với quy mô từ một cho đến hàng chục chi nhánh. Trong khi đó, các “ông lớn” ngành này như California Fitness & Yoga hay Elite cũng thận trọng với quyết định mở mới phòng tập. Trong gần hai năm trở lại đây, số lượng chi nhánh của Elite vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi, California Fitness & Yoga chỉ khai trương thêm vỏn vẹn 2 chi nhánh.

Hồi tháng 9 vừa qua, hệ thống Getfit Gym & Yoga tại TP.HCM buộc phải thông báo tạm ngưng hoạt động tất cả các chi nhánh cho đến khi có thông báo mới, bắt đầu từ ngày 4/9 do những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát. Hiện sau khi tái cơ cấu, Getfit đã mở cửa trở lại 2/3 số cơ sở, nhưng founder chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Trong khoảng một tháng, loạt thương hiệu phòng tập gym thông báo đóng cửa khiến khách hàng hoang mang

Trong khoảng một tháng, loạt thương hiệu phòng tập gym thông báo đóng cửa khiến khách hàng hoang mang

Điều quan trọng nhất, việc các phòng gym đột ngột đóng cửa đã gây ra không ít hệ lụy cho khách hàng, đặc biệt là những người đã mua gói tập dài hạn. Bỏ ra khoản tiền lớn để đăng ký các khóa học, huấn luyện viên cá nhân, giờ đây khách hàng chỉ biết “than trời” khi không thể liên lạc với các đơn vị. Nhiều người đã mất đi một khoản tiền lớn mà không nhận được bất kỳ sự bồi thường nào. Điều đáng nói là, trong nhiều trường hợp, hầu như khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi của mình do thiếu căn cứ pháp lý về giao kết sử dụng dịch vụ

Trở lại một câu chuyện rất thực tế và đang gây xôn xao dư luận những ngày qua đó là hàng nghìn khách hàng như “ngồi trên đống lửa” sau khi chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 thông báo trên fanpage rằng sẽ đóng cửa, tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 5/10. Phía cơ sở đưa ra lý do tạm đóng cửa là "vì những lý do khách quan bất khả kháng".

Tuy nhiên về việc giải quyết quyền lợi của khách hàng thì Fit24 lại không đưa ra bất cứ một phương án giải quyết cụ thể nào ngoài thông báo gửi đến các hội viên với nội dung: "Chúng tôi hiểu rằng quyết định này gây ra bất tiện cho quý hội viên đang sử dụng dịch vụ tại Fit24. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để khắc phục tình hình và sớm trở lại phục vụ quý hội viên". Trên các trang mạng xã hội, người hội viên của Fit24 bày tỏ sự hoang mang khi đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua các gói tập, dịch vụ tại đây, nhưng hiện nay lại không nhận được chính sách giải quyết cụ thể.

Fit24 vẫn đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng ngay trong tháng 9

Fit24 vẫn đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng ngay trong tháng 9

Vấn đề được đặt ra là ngày 5/10 Fit24 tuyên bố tạm dừng hoạt động nhưng ngay đầu tháng 9, trên trang website và trang fanpage chính thức của Fit24 vẫn đăng tải nhiều thông tin các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng đăng ký làm hội viên. Nhân viên của cơ sở này cũng tích cực quảng cáo về ưu đãi của các gói tập và chốt hợp đồng với khách hàng mà không mảy may đến quyền lợi của các hội viên đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để sử dụng dịch vụ. Vậy liệu rằng những người quản lý hệ thống phòng tập này không nhìn ra diễn biến hoạt động kinh doanh dù trong thời gian ngắn hay họ đang cố tình lợi dụng lòng tin của khách hàng để thu khoản lợi bất chính.

Trong khi đó, tại hợp đồng ký kết giữa các phòng tập và hội viên đăng ký hầu như đều có nội dung "khoản tiền và gói thẻ đã thanh toán không được hoàn trả" và đương nhiên sẽ không có bất cứ những thoản thuận khác liên quan đến trường hợp cơ sở đóng cửa, tạm dừng hoạt động nên việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng trong những trường hợp này không hề đơn giản.

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI KHÁCH HÀNG?

Trước hết, chưa thể nhìn nhận sự việc chuỗi phòng gym Fit24 đóng cửa là một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng xét về góc độ giao dịch dân sự, đại diện phía phòng tập này vẫn phải có trách nhiệm với những khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ trong suốt hơn 10 năm qua. Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Ngọ Tiến Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Việc Fit24 đơn phương tạm ngừng hoạt động có thể được xem là chấm dứt hợp đồng dịch vụ với các khách hàng mà không có thỏa thuận cụ thể về điều kiện chấm dứt. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, hành vi “Tạm ngưng” có thể dẫn đến một số hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Trường hợp Fit24 đơn phương ra thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng, đây có thể bị xem là hành vi vi phạm hợp đồng nhưng chưa phải là vi phạm dẫn tới việc kích hoạt hiệu lực của Điều 428 Bộ Luật Dân sự 2015 “Đơn phương chấm dứt hợp đồng”.

Nếu việc tạm ngưng hoạt động của Fit24 dẫn tới thiệt hại cho khách hàng thì đơn vị phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Thiệt hại do việc tạm ngưng có thể bao gồm “số tiền khách hàng đã đóng trước cho các gói tập, thời gian sử dụng dịch vụ bị gián đoạn không được đảm bảo, tổn thất tới các hợp đồng liên kết nhiều bên, ảnh hưởng sức khỏe, thay đổi lịch tập và nhiều tổn thất khác.”

Bên cạnh đó, việc tạm ngưng hoạt động mà không được thông báo, thỏa thuận từ trước dẫn với Fit24 có thể vi phạm về hợp đồng. Trong trường hợp giải quyết, Fit24 và khách hàng không thảo thuận được với nhau hoặc có thỏa thuận nhưng không thực hiện được thì khách hàng có quyền hủy bỏ hợp đồng do Fit24 chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 424 Bộ Luật Dân sự 2015.

Trường hợp khách hàng hủy bỏ hợp đồng đã ký với Fit24, những khách hàng đã mua các gói đã đóng trước, đặc biệt với những khách hàng đã mua các gói tập dài hạn hoặc hợp đồng với huấn luyện viên cá nhân (PT) thì phía Fit24 phải hoàn trả số tiền mà họ đã thu từ trước đó trừ đi chi phí hợp lý và thời gian mà phía khách hàng đã sử dụng.

Căn cứ khoản 2 Điều 427 Bộ Luật Dân sự 2015, khách hàng có quyền yêu cầu phía Fit24 hoàn trả tiền tương đương phần dịch vụ mà phía Fit 24 chưa cung cấp. Nếu phía Fit24 trì hoãn việc thanh toán khoản tiền trên, khách hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với sự việc trên.

Hiện rất nhiều khách hàng đang chờ đợi hướng giải quyết từ phía Fit24 để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hội viên. Luật sư Tiến Đức cũng đưa ra lời khuyên với các khách hàng có nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ tại các phòng tập nói chung, không riêng gì bộ môn gym. Theo đó, để tránh thiệt hại không đáng có, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, quy định những quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Bản thân người dùng cũng cần nắm bắt khả năng sử dụng sản phẩm, tránh ham ưu đãi mà mua gói dịch vụ với thời gian quá dài khiến rủi ro càng cao.

Bên cạnh đó, những hóa đơn, biên lai thanh toán tiền khách hàng cũng cần lưu giữ, luật sư cho những tài liệu này sẽ trở thành bằng chứng trong trường hợp họ yêu cầu hoàn lại tiền khi phòng tập đóng cửa hoặc xảy ra tranh chấp mà lỗi xuất phát từ phía phòng tập.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm