Phụ nữ - "Tiên phong" của nền kinh tế xanh

Đó là khẳng định của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN đưa ra tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2017 với chủ đề: “Doanh nhân nữ – Kiến tạo nền kinh tế Xanh
Phụ nữ - "Tiên phong" của nền kinh tế xanh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ thăm gian hàng của Tập đoàn TH tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2017

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, trong những năm qua, kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến mô hình phát triển bền vững, hướng tới cải thiện sức khỏe con người và đạt được những thành quả tốt đẹp.

Vai trò quan trọng của nữ doanh nhân

Tuy nhiên Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, Việt Nam hiện nay vấn đề tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP còn rất thấp; việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn lãng phí, chưa hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường gia tăng, có nơi rất nghiêm trọng, trong khi việc khắc phục hậu quả về môi trường còn chậm và chưa hiệu quả; nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.

Nước ta cũng là một trong năm quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Bên cạnh đó,tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối trong toàn xã hội, gây ra tâm lý vô cùng lo lắng cho người tiêu dùng” – Phó Chủ tịch nước nói.

Với chủ đề của diễn đàn “Phụ nữ và nền kinh tế xanh”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, phụ nữ thế giới nói chung và các doanh nhân nữ nói riêng đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, phụ nữ sẽ là người đi tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và đóng góp quan trọng trong xây dựng một “nền kinh tế xanh”.

Do đó Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt trong sự chuyển dịch nền kinh tế theo hướng xanh hóa. Các doanh nghiệp, doanh nhân nữ cần chủ động nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế; áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường và đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn đối với người tiêu dùng; Triển khai các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với nông nghiệp trong quá trình cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ trong quá trình khởi sự và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế xanh. Cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho DN về tăng trưởng xanh trong xu thế hội nhập hiện nay; tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp thu sáng kiến, công nghệ, kinh nghiệm quốc tế về sản xuất xanh. Khuyến khích doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong việc thúc đẩy nghiên cứu – chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ hy vọng thông qua diễn đàn này, đại diện các cơ quan Bộ ngành, các nhà khoa học và các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nữ sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để cùng chung tay xây dựng một nền sản xuất xanh, sạch, một môi trường kinh tế phát triển bền vững.

Nữ doanh nhân cạnh tranh bằng tính nhân văn

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam khẳng định, doanh nhân nữ có thể khó cạnh tranh bằng qui mô, nhưng sẽ cạnh tranh thành công bằng việc kinh doanh nhân văn, thực hiện trách nhiệm xã hội.  

Theo bà Minh, “phát triển bền vững” là cụm từ thường được nhắc đến tại hầu hết các diễn đàn, hội nghị lớn trong những năm gần đây. Vấn đề về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, kinh tế xanh, …cũng đã được đưa vào các quy tắc ứng xử mới trong luật quốc tế, các hiệp định hay công ước liên quan. Khái niệm “kinh tế xanh” đối với Việt Nam cũng không còn là mới lạ, nhưng để thiết lập nền kinh tế xanh thì thực sự cần sự vào cuộc nghiêm túc của cả xã hội: từ hoạch định chính sách, đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

“Đối với đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam, từ truyền thống nhân hậu và trái tim của một người mẹ đã luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện xã hội, nhân đạo. Hôm nay tại Diễn đàn này, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và nhà đồng hành TH Group sẽ rung chuông đánh thức các tiềm năng, sự sáng tạo của doanh nhân nữ như là người tiên phong tạo dựng một nền sản xuất sạch, vừa đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời cũng góp phần cho một môi trường xanh, thân thiện” – Bà Minh nói.

Cũng theo bà Minh, đã có rất nhiều mỹ từ nói đến vai trò của doanh nhân nữ như là cứu tinh của nền kinh tế thế giới, là nhân tố chèo lái con thuyền kinh tế vượt qua khủng hoảng và gần đây người ta thường nói đến doanh nhân nữ với xu hướng kinh doanh nhân văn. Nhưng doanh nhân nữ không thể gánh nhận những trách nhiệm nặng nề đó một cách đơn độc được, họ rất cần có những chính sách, chương trình để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh; sự hỗ trợ của VCCI và các hiệp hội thông qua mạng lưới để xúc tiến, kết nối đầu tư và kinh doanh; sự hợp tác và hỗ trợ của các doanh nhân nam với vai trò là đối tác trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị; sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông để thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới tiêu dùng vì sức khỏe, vì chất lượng cuộc sống.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: “Phụ nữ quyết tâm thì điều gì cũng làm được. Các doanh nhân nữ Việt Nam luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo và tôi tin rằng họ sẽ chính là người tiên phong trong công cuộc cách mạng xanh này”

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, tăng trưởng xanh, bền vững sẽ bao gồm 2 khía cạnh: xanh với mọi lĩnh vực kinh tế và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

“Nói đến doanh nhân nữ là nói đến màu xanh. Phụ nữ bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thân thiện và vì sự phát triển kinh tế bền vững. Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế là “tay hòm chìa khóa”, lớn hơn so với nhiều nền kinh tế khác”- Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp nói.

Bên cạnh Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam, các hoạt động bên lề như tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của doanh nhân nữ, chương trình Gala Dinner 2017 cũng đã được tổ chức, tạo cơ hội để các doanh nhân nữ toàn quốc kết nối kinh doanh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đồng thời đây cũng là dịp để các nữ doanh nhân Việt Nam thể hiện tài năng, sáng tạo trong nghệ thuật nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3. 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...