Sản phẩm phân bón Phú Mỹ luôn được bà con tin tưởng lựa chọn.
Có thể nói, trong 9 tháng đầu năm nay PVFCCo phải đối mặt với thách thức “kép”, đến từ giá khí nguyên liệu đầu vào và sức cầu sử dụng phân bón giảm do giá các mặt hàng nông sản giảm sâu. Do ảnh hưởng của giá dầu tăng, giá khí đầu vào cho sản xuất phân bón của PVFCCo đã tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2017 và khoảng 29% so với giá kế hoạch năm 2018. Cụ thể, giá khí bình quân 9 tháng đầu năm 2017 là 4,94 USD/triệu BTU, giá khí kế hoạch năm 2018 là 4,9 USD/triệu BTU, thực tế giá khí trung bình trong 9 tháng đầu năm 2018 là 6,31 USD/triệu BTU, cứ mỗi 1 USD/triệu BTU giá khí tăng thêm là chi phí sản xuất của PVFCCo tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Sản xuất nông nghiệp và thị trường phân bón trong 9 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết bất thường và giá nông sản giảm sâu. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, so với cùng kỳ năm 2017 thì diện tích gieo trồng lúa cả nước giảm 160.600 ha; giá một số nông sản chủ lực như cà phê giảm hơn 20%, giá tiêu giảm hơn 30% và tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh, giá mủ cao su cũng giảm gần 20%... Đồng thời, liên tiếp các cơn bão, lũ lụt, ngập úng, mưa lớn trên diện rộng nên nhu cầu sử dụng phân bón cho vụ Hè Thu/mùa mưa – vụ sử dụng phân bón lớn nhất trong năm - đã giảm đáng kể.
Trong bối cảnh hết sức thách thức đó, PVFCCo đã chủ động đưa ra nhiều kịch bản, giải pháp, nỗ lực trong mọi mặt: quản trị doanh nghiệp, chi phí; triển khai dự án; vận hành sản xuất và kinh doanh, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
Nhà máy NPK bắt đầu hoạt động thương mại, góp phần đáng kể gia tăng sản lượng kinh doanh của PVFCCo
PVFCCo tích cực triển khai các dự án và từ đầu năm 2018 đưa vào vận hành thương mại Xưởng NH3 mở rộng; đến tháng 8/2018, Nhà máy NPK công nghệ hoá học cũng bắt đầu vận hành thương mại, đóng góp đáng kể vào việc gia tăng sản lượng của PVFCCo trong 9 tháng đầu năm nay.
Về sản xuất, ước đạt gần 650.000 tấn Đạm Phú Mỹ, hoàn thành 109% kế hoạch 9 tháng và 81% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất NH3 để tiêu thụ thương mại đạt hơn 49.000 tấn, đạt 119% kế hoạch 9 tháng và 89% kế hoạch năm, tăng 247% so với cùng kỳ; Nhà máy NPK Phú Mỹ đạt sản lượng hơn 54.000 tấn.
Về kinh doanh phân bón, đội ngũ kinh doanh luôn bám sát thị trường, nhanh chóng tiếp cận, khai thác tốt nhu cầu tiêu thụ phân bón tại các khu vực và cây trồng “mới nổi, lên ngôi” như bơ, sầu riêng, cây có múi… Nhờ đó, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón đạt hơn 910.000 tấn, trong đó Đạm Phú Mỹ ước đạt gần 640.000 tấn, vượt 5% so với kế hoạch 9 tháng; sản lượng kinh doanh các phân bón khác ước đạt 270.000 tấn, vượt 50% so với kế hoạch 9 tháng, đạt 120% kế hoạch cả năm 2018. Đặc biệt, do có sự chuẩn bị thị trường kỹ lưỡng trong các năm gần đây mà sản phẩm phân bón chủ lực mới của PVFCCo là NPK Phú Mỹ (bao gồm cả lượng NPK Phú Mỹ do nhà máy sản xuất) đã đạt lượng tiêu thụ kỷ lục trong 9 tháng đầu năm là gần 100.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ 2017.
Mảng kinh doanh hóa chất cũng đạt kết quả khả quan với sản lượng tiêu thụ NH3 đạt hơn 36.000 tấn, tăng 130% so với cùng kỳ 2017; sản lượng kinh doanh UFC85, CO2, hoá phẩm dầu khí cũng đạt gần 40.000 tấn.
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.095 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch 9 tháng, 83% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận trước thuế 625 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch cả năm 2018. Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra chủ yếu do tổ hợp dự án đi vào hoạt động góp phần gia tăng sản lượng; sản lượng kinh doanh vượt kế hoạch cùng với nỗ lực tiết giảm chi phí. Đặc biệt do chú trọng xây dựng thương hiệu nên các sản phẩm chủ lực như Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, phân bón Phú Mỹ khác, NH3 luôn giữ được giá bán cao, tiêu thụ nhanh và tồn kho hợp lý.
Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng giám đốc PVFCCo cho biết: “Việc vận hành thương mại các nhà máy mới và tích cực khai thác các thị trường, đối tượng khách hàng mới đã tạo nên sức bật cho PVFCCo. Với kết quả khả quan này, PVFCCo hướng đến việc hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018 cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho năm 2019”.