Trước đó, hồi tháng 1, PVN đã nộp đơn đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ tài trợ cho dự án. Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu máy móc thiết bị trị giá cao, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Vì vậy, nếu họ đồng ý tài trợ thì PVN có thể mua các turbin và thiết bị trị giá hàng triệu đô la từ Tập đoàn General Electric.
Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 đang trong giai đoạn thi công. Dự án này được ngân hàng Vnesheconombank của Nga tài trợ một phần.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ thông báo họ chưa hoàn thành đánh giá thẩm định pháp lý với dự án Long Phú 1. Ngân hàng này từ chối tiết lộ thời gian cụ thể mà PVN rút hồ sơ cũng như các câu hỏi khác liên quan đến PVN.
Thực tế, Việt Nam vẫn có thể triển khai dự án Long Phú ngay cả khi Hoa Kỳ hay G.E không hợp tác. Theo ông Basav Sen, Giám đốc Chính sách khí hậu của Viện nghiên cứu Chính sách (Mỹ), dự án vẫn có thể hoàn thành mà không có sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.
Long Phú 1 nằm trong Trung tâm điện lực Long Phú (Long Đức, Long Phú, Sóc Trăng). Trung tâm nhiệt điện Long Phú gồm 3 nhà máy nhiệt điện, với tổng quy mô công suất lên đến 4.400 MW.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 có một vị trí quan trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.