Kết thúc quý II/2019, công ty đạt 65 tỷ đồng doanh thu thuần tăng gần 4 tỷ đồng so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lên tới 105,2 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp âm gần 41 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn nhưng nhờ có 2,6 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính và gần 24 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác nên sau khi trừ chi phí PVC-MS lỗ ròng gần 34 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 26,6 tỷ đồng .
Theo giải trình từ phía công ty doanh thu tăng là nhờ khối lượng công việc được nghiệm thu trong quý của dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, NMNĐ Thái Bình 2. Tuy nhiên do tình hình SXKD vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn các dự án đang thực hiện là chuyển tiếp từ năm trước, giá trị không nhiều, dự án lớn như hóa dầu Long Sơn triển khai chậm nên sản lượng, doanh thu không đủ bù đắp chi phí quá lớn như chi phí khấu hao, chi phí quản lý,…
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 123,7 tỷ đồng tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhưng giá vốn ở mức cao nên lỗ ròng vẫn ở mức trên 50 tỷ đồng. Mục tiêu kinh doanh năm 2019 của PXS là đạt 532 tỷ đồng doanh thu và có lãi 0,7 tỷ đồng.
Từng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả của ngành dầu khí trong giai đoạn 2013 - 2016, sự sụt giảm nguồn thu trầm trọng từ các hợp đồng, nợ vay lớn đã khiến hoạt động kinh doanh của PVC-MS đi xuống từ cuối năm 2017.
Sau khi trải qua năm 2018 khó khăn với doanh thu đạt 233 tỷ đồng, giảm 72,1%; lỗ 85 tỷ đồng so với mức lãi 79 tỷ đồng trong năm 2017, khối lượng công việc của công ty ít hơn, công việc chủ yếu đến từ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, khối thượng tầng giàn CTC1 - WHP Cá Tầm, không đủ để bù đắp chi phi khấu hao, nhân công, nguyên vật liệu.
Năm 2019, tình trạng kinh doanh của PVC-MS tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi công ty hầu như không nhận thêm được các dự án mới như kỳ vọng, trong khi dự án chuyển tiếp từ năm cũ qua là không lớn. Ngay cả dự án trọng điểm Long Sơn được nhiều người kỳ vọng nhất thì cũng được lãnh đạo Công ty xác nhận bắt đầu thực hiện thi công trong quý IV/2019. Do vậy, doanh thu mục tiêu cho năm 2019 khá thấp, 532 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án Thái Bình 2, Long Hậu 1 và Long Sơn, còn kế hoạch lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 700 triệu đồng.
Theo người phụ trách công bố thông tin của PVC-MS chia sẻ, tình trạng khó khăn của PVC-MS nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2019 và sẽ khởi sắc dần khi công ty ghi nhận nguồn thu mới từ dự án Long Sơn, dự kiến từ năm 2020.
Theo CTCK Bản Việt (VCSC), triển vọng của PVC -MS là không sáng trong năm 2019 khi so sánh với các doanh nghiệp xây lắp thượng nguồn như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS), hay CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã: PVB).
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2019 là một con số dương của công ty khó có khả năng hoàn thành với kế hoạch doanh thu công ty đặt ra là 532 tỷ đồng. Trên thực tế, biên lợi nhuận gộp của PVC-MS (loại trừ khấu hao) trong những năm gần đây vào khoảng 18%. Do đó, mức lợi nhuận gộp (loại bỏ khấu hao) tương ứng với kế hoạch doanh thu năm 2019 vào khoảng 95 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí cố định phát sinh (lãi vay, bán hàng, khấu hao) trong 4 năm gần đây có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn mức 95 tỷ đồng.
Chính vì thế, lợi nhuận sau thuế năm 2019 nhiều khả năng ghi nhận lỗ, nếu không có những khoản thu nhập bất ngờ, hay doanh thu đạt từ 805 tỷ đồng trở lên.
>> Lợi nhuận “ông trùm” xây dựng Coteccons lại lao dốc