Hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ 15/4 đến 15/5) và Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức chương trình trên. Sự kiện nhằm cung cấp thông tin, cách nhận biết để người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện được các dấu hiệu hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu... của một số sản phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh, sự kiện hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua các sản phẩm chính hàng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.
Thông qua các lần tổ chức Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, người tiêu dùng cũng như khách tham quan sẽ trang bị được nhiều hơn các đặc điểm nhận diện hàng thật, hàng vi phạm, đồng thời, biết đến các địa chỉ bán hàng uy tín, chính hãng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Phòng trưng bày quy tụ nhiều sản phẩm nổi bật, có sức tiêu dùng cao như: Thuốc lá, bánh kẹo, đồng hồ, máy tính cầm tay, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sạc pin điện thoại... cùng các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch như: khẩu trang, que test nhanh Covid-19… Trong số các sản phẩm trưng bày, có hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Tại Phòng trưng bày, ngoài sản phẩm do các doanh nghiệp cung cấp thì các sản phẩm vi phạm được nhiều Cục QLTT địa phương thu giữ, xử lý thời gian qua cũng có mặt.