Quản lý thị trường Quảng Ninh thu giữ hàng nghìn sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu

Lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh vừa tiến hành kiểm tra và phát hiện một cửa hàng đang bày bán công khai hàng nghìn sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu.

Việc phát hiện các sản phẩm nhập lậu nói trên của lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh nằm trong kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh vừa tiến hành kiểm tra cửa hàng May COSMETIC, tại Khu đô thị Mon Bay Hạ Long, Phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cửa hàng May COSMETIC đang bày bán số lượng lớn sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu gồm: son môi, phấn má, sữa tắm…cùng nhiều sản phẩm bánh kẹo, hạt hướng dương, đồ uống… do nước ngoài sản xuất và chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng mình nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm trên.

Quản lý thị trường Quảng Ninh thu giữ hàng nghìn sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu
Quản lý thị trường Quảng Ninh thu giữ hàng nghìn sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu

Trước hành vi trên của cửa hàng, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành đã lập hồ sơ để xử lý theo quy định.

Cũng tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hồi cuối tháng 11/2022 lực lượng chức năng của tỉnh này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm gồm nước hoa, dung dịch dưỡng da, son môi, dưỡng tóc…. do nước ngoài sản xuất khi tiến hành thủ tục khám ô tô biển kiểm soát 14C-262.06.

Tại thời điểm khám, lái xe khai nhận đã mua số hàng hoá trên trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và toàn bộ số hàng hoá trên của không có hoá đơn, chứng từ kèm theo.

Tìm hiểu của chúng tôi, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người kinh doanh, cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp nặng hơn, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm