UB Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội.
Theo ông Thanh, năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Xử lý nghiêm sai phạm
Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của QH, UB Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế nhấn mạnh đến việc giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông.
Chính phủ cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý; khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia.
Cùng với đó, đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho DN phát triển.
Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia.
Chính phủ cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp; có giải pháp quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng.
Song song với đó là triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế; quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này.
Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
Ngoài ra, UB Kinh tế cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý việc tăng cường sự phối hợp giữa UB Quản lý vốn nhà nước tại DN và Bộ quản lý ngành; có giải pháp thực hiện mục tiêu cổ phần hóa trong năm 2019, giám sát chặt chẽ hoạt động của các DNNN. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như bệnh dịch ở gia xúc; sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; lái xe uống rượu bia, nghiện ma túy gây tai nạn; tội phạm ma túy; xâm hại tình dục trẻ em... cũng được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ có giải pháp.
Theo Thu Hằng/Vietnamnet