Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa

Sau 25 năm kể từ khi cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, đây là lần đầu tiên, Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - thực hiện giám sát lĩnh vực này.
Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Anh Tuấn hy vọng, kết quả giám sát sẽ góp phần quan trọng trong đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH đã đầy đủ, đồng bộ, thưa ông?

Không chỉ đồng bộ, mà còn rất quyết liệt, cụ thể. Đơn cử, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg quy định 11 ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 5 ngành lĩnh vực nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 8 lĩnh vực nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Quyết định này cũng nêu rõ danh tính 103 doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn; 4 doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 65% vốn; 27 doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% vốn; và 106 doanh nghiệp Nhà nước giữ dưới 50% vốn.

Tóm lại, ngoài 103 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, công ích, còn lại CPH hết. Cụ thể hơn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ công bố rõ tên doanh nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương nào phải CPH năm từng năm. Theo đó năm 2017 sẽ CPH 44 đơn vị; năm 2018 CPH 64 đơn vị; năm 2019 CPH 18 đơn vị và năm 2020 CPH 1 đơn vị. Với những chỉ đạo quyết liệt trên, không có bất cứ lý do gì để kéo dài, thoái lui, bàn lùi CPH.

Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và CPH không phải bây giờ mới quyết liệt, mà đã quyết liệt từ nhiều năm trước, nhưng tiến độ CPH chưa như mong đợi?

Trên thực tế, tiến độ CPH diễn ra khá nhanh, nếu năm 2001, cả nước còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì đến đầu năm 2017, chỉ còn khoảng 700 đơn vị. Giai đoạn 2011-2015, CPH được 508 đơn vị và điều đáng nói là tốc độ CPH mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2011 chỉ chuyển đổi sở hữu được 14 đơn vị, năm 2012 được 26 đơn vị, năm 2013 được 73 đơn vị, thì năm 2014 được 175 đơn vị, năm 2015 được 220 doanh nghiệp và từ nay đến năm 2020 chỉ còn 137 doanh nghiệp phải chuyển đổi, trong đó CPH 127 đơn vị.

Hiện có 40 tỉnh không còn doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thuần túy, mà chủ yếu sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Số lượng doanh nghiệp CPH có thể nói là tương đối nhanh, gần hoàn thành kế hoạch. Nhưng điều đáng nói là, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Vậy theo ông, tại sao có tình trạng trên?

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như thị trường chứng khoán không thuận lợi; lãnh đạo doanh nghiệp và ngay cả cơ quan “chủ quản” cũng muốn nắm giữ vốn… Theo tôi, ngoài những nguyên nhân này, còn có việc quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị đất đai, xác định giá trị khoản đầu tư đem bán còn nhiều vướng mắc.

Quốc hội chuẩn bị giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Kết quả giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành, đặc biệt là sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Các chính sách mới sẽ tháo gỡ được những nội dung này, thì tiến trình thoái vốn sẽ nhanh hơn.

Mỗi tháng có trên dưới 10.000 doanh nghiệp thành lập mới. Theo ông, có nên “ồ ạt bán” vốn nhà nước để nhà đầu tư mua lại toàn bộ vốn nhà nước, thay vì phải thành lập doanh nghiệp mới?

Bán vốn phải theo giá thị trường, đấu giá công khai, chứ không thể bán rẻ. Đúng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất lớn, nhưng bình quân vốn mỗi doanh nghiệp chỉ khoảng 8 - 9 tỷ đồng. Với số tiền này, nếu có mua cổ phần nhà nước, thì nhà đầu tư vẫn chỉ là cổ đông nhỏ, không có quyền chi phối, điều hành, quản lý, nên giả sử có bán rẻ, thì nhà đầu tư cũng không muốn mua, vì họ không được quyền làm chủ.

baodautu.vn/quoc-hoi-se-giam-sat-co-phan-hoa-d6849http://baodautu.vn/quoc-hoi-se-giam-sat-co-phan-hoa-d68495.html

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...