Quốc hội thảo luận tình hình KT- XH: Tâm điểm nợ công, nợ xấu, hiệu quả DNNN

Hôm nay (31/10), Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV sẽ chính thức bắt đầu 2,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Nợ công, nợ xấu còn cao, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả chắc chắn
Quốc hội thảo luận tình hình KT- XH: Tâm điểm nợ công, nợ xấu, hiệu quả DNNN

Một điểm mới tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, đó là Quốc hội sẽ dành hẳn 2,5 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Thời gian kéo dài hơn sẽ tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể trình bày thêm được nhiều ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Và một trong những nội dung chắc chắn sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đó chính là những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã và sẽ đạt được trong năm nay, cũng như những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế.

Báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mặc dù khẳng định nền kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, song cũng đã nhấn mạnh “nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém”.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đã nói về việc mặc dù tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt mục tiêu 6,7%, nhưng chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng còn thấp.

Theo Thủ tướng, năm 2017, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, do một số quy định pháp luật còn bất cập, nên phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số dự án công nghiệp và giao thông quy mô lớn còn chậm tiến độ, nhưng các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, hay Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh một điểm nghẽn lâu nay của nền kinh tế, đó là nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối tháng 8/2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,46%. Lũy kế từ khi hoạt động đến cuối tháng 7/2017, VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá mua (mệnh giá trái phiếu đặc biệt) là trên 261 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được trên 60 nghìn tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2017 đã xử lý được khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn hệ thống đã xử lý được trên 57 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, cáo cáo Chính phủ trước đó gửi tới Quốc hội cho biết, nợ công năm 2017 đạt khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Như vậy, bình quân mỗi người Việt “gánh” 33 triệu đồng tiền nợ công, tăng 4 triệu đồng so với năm 2016. Cũng theo thống kê, 5 năm trở lại đây nợ công tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài chuyện nợ công, nợ xấu, một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm đó là chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp, nhất là việc phát hiện và xử lý các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát của các doanh nghiệp nhà nước...

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, chuyện xử lý 12 dự án yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước đã rất nóng trên nghị trường Quốc hội. Xử lý các dự án này như thế nào là “món nợ” mà lần này Chính phủ sẽ phải trả lời Quốc hội.

Bên cạnh các vấn đề liên quan tới các điểm yếu của nền kinh tế, một trong những nội dung quan trọng khác cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đó là xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Mục tiêu dự kiến của Chính phủ, năm 2018, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,5 - 6,7%. Đặt mục tiêu như vậy đã chuẩn xác chưa và làm sao đạt được mục tiêu này trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là câu hỏi sẽ được các đại biểu Quốc hội từng bước thảo luận và giải đáp trong 2,5 ngày thảo luận tại nghị trường.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 6/2025 tại Bình Thuận. Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất…

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tái cấu trúc địa giới hành chính và liên kết vùng kinh tế được xem là một bước đi chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công...