Quốc hội thông qua cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội

Với 91,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội sáng 19/6.
Quốc hội thông qua cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội

Nghị quyết gồm 6 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Trong đó, HĐND TP Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế…

Nghị quyết của Hà Nội cũng cho phép TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 3 về quản lý thu ngân sách nhà nước và Điều 4 về quản lý chi ngân sách nhà nước được quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Nội dung của Nghị quyết quy định, về quản lý thu ngân sách nhà nước, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố. HĐND TP cũng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. 

TP Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, HĐND thành phố cũng quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán và phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công.

HĐND TP Hà Nội cũng được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước; cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết cũng quy định mức dư nợ vay của ngân sách TP Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp.

UBND TP Hà Nội báo cáo HĐND thành phố quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội đến ngày 31-12 của năm trước…

Giải trình về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý mà Luật Thủ đô chưa bao quát hết. Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị và căn cứ yêu cầu thực tiễn quản lý của thành phố Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...