Quỹ đất thanh toán cho dự án BT Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 44%

Quỹ đất đối ứng cho các dự án BT của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 44%, nhóm 35 dự án ưu tiên mới đáp ứng được chưa đầy một nửa, các dự án không phải trọng điểm sẽ được rà soát lại báo cáo UBND thành phố
Quỹ đất thanh toán cho dự án BT Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 44%

Đây là những thông tin đáng chú ý trong báo cáo UBND thành phố Hà Nội tình hình triển khai các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP) của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KHĐT).

Theo báo cáo này, Hà Nội còn 115 dự án theo mô hình PPP, chủ yếu các dự án này được thực hiện theo hình thức BT.

Trong số đó có, 35 dự án thuộc nhóm ưu tiên triển khai; 19 dự án giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường được đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai sớm;  9 dự án địa phương đã đủ quỹ đất thanh toán. 51 dự án còn lại không thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp bách ưu tiên triển khai.

Tổng diện tích đối ứng dự kiến là 8.858,5 ha, tiền sử dụng đất tạm tính xấp xỉ 119.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ đất đối ứng mới chỉ đáp ứng khoảng 44% nhu cầu, riêng nhóm 35 dự án ưu tiên mới đáp ứng được chưa đầy một nửa.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở kiến nghị trước hết các cấp chính quyền, sở ngành hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất hoàn thiện trước ngày 30/8. Quá hạn chưa trình thẩm định thì Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ rà soát, trình thẩm định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Sở Quy hoạch & Kiến trúc cũng cần phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường rà soát, giới thiệu quỹ đất thanh toán cho các dự án, tính tiền sử dụng đất theo chỉ đạo của thành phố.

Đối với 51 dự án không phải trọng điểm, cấp bách ưu tiên triển khai và chưa cân đối đủ quỹ đất đối ứng, Sở đề xuất sẽ kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo từng trường hợp cụ thể.

Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Bộ Tài chính cho rằng cần tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận. Cụ thể gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 – Gamuda Gardens; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3) theo hình thức hợp đồng BT; thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...