Rút khỏi JVC sau biến cố lỗ nghìn tỷ, gia đình ông Lê Văn Hướng lại có thương vụ trăm tỷ

Sau khi tăng vốn gấp hơn 12 lần từ 21 tỷ lên 271, AMV đã ngay lập tức chi 250 tỷ mua lại Bệnh viện Việt Mỹ - bệnh viện này vốn nằm dưới sự kiểm soát của bà Nguyễn Phương Hạnh, vợ ông Lê Văn Hướng.
Rút khỏi JVC sau biến cố lỗ nghìn tỷ, gia đình ông Lê Văn Hướng lại có thương vụ trăm tỷ

Ngày 22/6, CTCP Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (mã: AMV) thông báo đã hoàn tất việc mua 25 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ (Việt Mỹ Hospital) và sở hữu 83,33% vốn điều lệ của công ty này. Theo đó, Bệnh viện Việt Mỹ trở thành công ty con của AMV.

Nguồn vốn để AMV mua Bệnh viện Việt Mỹ đến từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Trong tháng 6 vừa qua, AMV đã phát hành 25 triệu cổ phiếu cho 5 cá nhân, thu về 250 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ từ 21 tỷ đồng lên 271 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 5 cá nhân này đã sở hữu gần 93% vốn điều lệ của AMV.

Vụ niêm yết cửa sau từ những nhân vật không lạ

“Đối tượng” đáng chú ý ở đây là Bệnh viện Việt Mỹ - công ty này có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, mới được thành lập vào ngày 13/02/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông sáng lập là CTCP Kanpeki Nhật Bản (nắm 98%), ông Lê Đức Khánh (nắm 1%) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (nắm 1%).

Trong đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh từng là Thành viên HĐQT, Phó Giám đốc của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã: JVC) đang niêm yết trên sàn HoSE.

CTCP Kanpeki Nhật Bản thành lập năm 2015 và có trụ sở chính tại Biệt thự số 35 BT5, Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và có cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Phương Hạnh sở hữu 98%.

Bà Nguyễn Phương Hạnh là vợ ông Lê Văn Hướng – người từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của JVC.

Rút khỏi JVC sau biến cố lỗ nghìn tỷ, gia đình ông Lê Văn Hướng lại có thương vụ trăm tỷ ảnh 1

AMV vốn là một doanh nghiệp niêm yết đã lâu trên HNX nhưng có tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Từ năm ngoái, AMV đã có sự lột xác khi “đổi ruột” cho những cổ đông khác, thay đổi Ban lãnh đạo và nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa Amvi Biotech lâu năm của mình cho một doanh nghiệp khác.

Bà Đặng Nhị Nương trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của AMV, trực tiếp sở hữu 342.800 cổ phiếu tương đương 16,2% vốn điều lệ của công ty.

Tên của bà Đặng Nhị Nương từng xuất hiện trong báo cáo quản trị cũ của JVC. Bà Đặng Nhị Nương (sinh năm 1956) là em của bà Đặng Thập Nương – mẹ vợ của ông Lê Văn Hướng, người từng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của JVC. Bà Đặng Nhị Nương cũng là mẹ của bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh.

Như vậy, sau khi được 5 cá nhân "bơm" vốn, AMV đã tiến hành mua 83% cổ phần của BV Việt Mỹ từ Kanpeki - doanh nghiệp vốn được sở hữu gần như hoàn toàn từ bà Nguyễn Phương Hạnh.

Một cách gián tiếp, BV Việt Mỹ đã được đưa lên sàn bằng phương pháp mà giới tới chính vẫn thường gọi là "niêm yết cửa sau".

Cùng với những biến động tại doanh nghiệp, cổ phiếu AMV đã có sự tăng trưởng lớn trong 1 năm nay.

Gần đây, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận một trường hợp tương tự đối với CTCP Đầu tư Apax Holding (mã chứng khoán: IBC). Tiền thân là CTCP Đầu tư Việt Nam Benchmark với vốn điều lệ 3 tỷ đồng, IBC đã đổi ruột, đổi tên, tăng vốn lên 313 tỷ đồng và vừa hoàn tất việc mua cổ phiếu của CTCP Anh ngữ Apax – đơn vị sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English – và nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 68,9% vốn điều lệ. Công ty này vẫn sẽ tiếp tục tăng vốn để đầu tư cho chuỗi Apax English. Thương vụ nói trên được nhiều người gọi là một vụ niêm yết cửa sau đối với Apax English mặc dù IBC cũng chỉ giao dịch trên UPCoM chứ không phải là cổ phiếu trên sàn niêm yết chính thức.

Còn đối với AMV, sau khi “thay máu”, AMV đã lên kế hoạch doanh thu tăng 15,6 lần và lợi nhuận sau thuế tăng 17,3 lần cho năm 2017. Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch vay vốn để đầu tư liên kết khai thác 30 máy xét nghiệm sinh lực phân tử tự động TRC tại các bệnh viện. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 75 tỷ đồng.

Nhắc lại về JVC ngày trước

JVC – CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật là một trường hợp đã gây náo loạn thị trường chứng khoán vào 2 năm trước. Vốn được giới đầu tư đánh giá là một trong những công ty mạnh nhất trong ngành cung cấp thiết bị y tế với tình hình tài chính tốt, JVC không chỉ có cổ đông lớn là quỹ DI đến từ Nhật Bản mà cũng được các quỹ đầu tư khác yêu thích.

Tuy nhiên, vào năm 2015, ông Lê Văn Hướng – nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc bị bắt giữ về tội danh lừa dối khách hàng. Trước khi thông tin này chính thức được công bố, trong sự im lặng đáng sợ của công ty, cổ phiếu JVC đã giảm sàn 15 phiên liên tiếp.

Sau “biến cố Lê Văn Hướng”, JVC đã rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự khi nhiều hợp đồng ký kết với các bệnh viện trước đó bị tạm ngưng. Không chỉ vậy, khi công ty này công bố BCTC kiểm toán, nhà đầu tư càng choáng váng với những con số kỳ lạ.

Theo BCTC kiểm toán, công ty đã sử dụng khoản vốn 750 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng để chi trả một số khoản không nằm trong kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, bao gồm thanh toán thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chậm nộp thuế với tổng giá trị gần 104 tỷ đồng và góp vốn vào công ty liên kết trị giá 500 triệu đồng mà không hề có công bố nào.

Tại thời điểm 1/4/2015, BCTC của JVC ghi nhận một khoản tiền mặt lên đến gần 500 tỷ đồng và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng trị giá hơn 285 tỷ đồng, tổng cộng chiếm 1/3 tài sản ngắn hạn nhưng trong BCTC sau đó, các khoản này đã biến mất, đến 31/4/2016 còn vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Trong khi đó, khoản lớn nhất lên đến 403 tỷ chính là tiền ứng trước, tiền bảo lãnh và thanh toán hộ cho CTCP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên (315 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại Hướng Đông (88 tỷ đồng). Đây đều là những công ty liên quan đến các thành viên của Ban giám đốc cũ hoặc thành viên mật thiết trong gia đình họ.

Đáng nói là 2 khoản bảo lãnh này đều chưa được ĐHCĐ phê duyệt và đã phải trích lập dự phòng 100%.

Sau đó, JVC công bố khoản lỗ gần nghìn tỷ đồng và đến 31/03/2017, lỗ lũy kế chưa phân phối là 1.019 tỷ đồng. Giá cổ phiếu JVC cũng rơi xuống mức giá 3.000 đồng.

Theo Mai Linh/Trí thức trẻ  

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...