Sáng 23/3, 5 ngày liên tiếp chưa ghi nhận ca mắc COVID trong cộng đồng

Bản tin 6h sáng ngày 23/3 của Bộ Y tế cho biết hôm nay là ngày thứ 5 liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Có 36.082 người tiêm vắc xin COVID-19
Sáng 23/3, 5 ngày liên tiếp chưa ghi nhận ca mắc COVID trong cộng đồng

Có thêm 2.060 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 22/3/2021

Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho hay, tính đến 16 giờ ngày 22/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 36.082 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vắc xin COVID-19 tiếp theo về đến nước ta.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại diễn ra chiều ngày 22/3, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm.

Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.

Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Tính từ 18h ngày 22/3 đến 6h ngày 23/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.572 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

Đến hôm nay, 10 tỉnh, thành phố đã qua 38 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, đã tròn qua 35 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Hải Phòng, đã qua 28 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Tính riêng tại địa bàn Hải Dương, một trong hai địa phương đầu tiên có dịch trong đợt này và là địa phương dịch kéo dài nhất, phức tạp nhất, 5 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới.

Số ca mắc của thế giới: - Trong 12 giờ qua, số ca mắc COVID-19 của thế giới tăng 230.702

- Cả thế giới hiện có 124.156.693 ca mắc COVID-19, trong đó 100.158.138 ca đã khỏi bệnh; 2.734.341 ca tử vong và 21.364.214 ca đang điều trị (90.830 ca diễn biến nặng).

Về công tác điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.235 bệnh nhân COVID-19/ 2.575 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 36 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 17 ca; số ca âm tính lần 3 là 35 ca.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hiện có 3 trường hợp bệnh nhân nặng, gồm 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Các trường hợp này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần, tuy nhiên các bệnh nhân này có một số bệnh lý nền và đang tập tự thở nên vẫn đang tiếp tục theo dõi sát trong quá trình điều trị.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...