Sáng 17/5, Sở Ngoại vụ TP.HCM chủ trì họp báo công bố “Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024”, sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/05/2024.
Đây là lần đầu tiên, một lễ hội về sâm, hương liệu, dược liệu được tổ chức tại TP.HCM dù địa phương này không có diện tích trồng sâm nhưng hoạt động kinh doanh sâm và các sản phẩm chế biến từ sâm diễn ra rất sôi động.
Ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và Hội nghị quốc tế cho biết: Lễ hội là sự kết hợp giữa các hoạt động triển lãm, giao lưu thương mại, ẩm thực, văn hóa… với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Cụ thể, sẽ có doanh nghiệp của 8 quốc gia (Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Campuchia và Thái Lan), 20 địa phương trong nước và 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã. Với quy mô 32 gian hàng thương mại quốc tế, 25 gian hàng triển lãm địa phương với gần 70 sản phẩm từ sâm tươi và các sản phẩm chế biến từ sâm; gần 40 gian hàng ẩm thực Việt Nam/quốc tế
“Lễ hội là dịp các địa phương và doanh nghiệp giao lưu, quảng bá những sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu chất lượng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế”, ông Lê Trường Duy nhấn mạnh.
Điểm nhấn của lễ hội chính là khu trưng bày Sâm Ngọc Linh Việt Nam gồm các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Lai Châu. Ban tổ chức triển lãm thực cảnh mô hình núi Ngọc Linh, tái hiện vùng trồng và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam…
Các hoạt động của Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024 sẽ được đối tác bảo trợ truyền thông là Công ty Bruce Clay Việt Nam thực hiện livestream (phát trực tiếp) trong suốt sự kiện, đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ truyền thông vào quảng bá, tăng quy mô tương tác.
Hiện Việt Nam có hơn 7.500ha trồng sâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai…
Theo Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2023 thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000ha, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.
Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).
Định hướng đến năm 2045 phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.