Gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% đã được triển khai để doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vay vốn lãi suất 0% trả lương người lao động. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện theo các quy định được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất.
Cũng theo ông Tuấn Anh, sau quá trình đánh giá lại, đợt tái cấp vốn này sẽ có các quy định mới cụ thể và hiệu quả hơn. Thay vì quy định chỉ "doanh nghiệp gặp khó khăn" một cách chung chung, giờ công ty nào có doanh thu giảm 20% so với trước dịch có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Khoản tiền cũng được giải ngân trực tiếp về doanh nghiệp thay vì người lao động như quy định cũ.
Tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định, ngành ngân hàng đã vào cuộc sớm với giải pháp ‘trúng và đúng’ với nhu cầu thực tế, đặc biệt là Thông tư 01 về tái cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Thông tư 01 ra đời sớm nhưng một số ngân hàng cũng phản ánh do quy định chưa cụ thể nên nhiều khách hàng bị "bỏ ngoài" chính sách. NHNN đã khảo sát và ghi nhận khó khăn vướng mắc trong quá trình cơ cấu và giảm lãi vay cho khách hàng.
Theo bà Hồng, hiện Thông tư sửa đổi đang chờ ý kiến từ các Bộ ngành liên quan. Hiện đã có đánh giá của Bộ Tài chính. Cơ quan thanh tra sẽ là đầu mối phối hợp cùng các đơn vị chức năng để sớm trình Thống đốc ban hành Thông tư 01 sửa đổi.
Bên cạnh đó, Phó thống đốc cho biết, nhà điều hành cũng cố gắng giảm tiếp lãi suất cho vay. Từ cuối năm 2019 đến nay, cơ quan này đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại.
Thời gian tới, bà Hồng cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người vay vốn nhưng không hạ chuẩn cho vay. "Kinh nghiệm cho thấy, an toàn hệ thống ngân hàng nếu không được đảm bảo sẽ gây hệ luỵ khó khăn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp", bà nói.