Tháng 4 là tháng cao điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng. Trong bối cảnh tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, trích lập dự phòng cao ăn mòn lợi nhuận, các nhà băng đang tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu kinh doanh năm 2017.
Năm 2016, HDBank đạt 1.282 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao nhất từ trước tới nay, với tốc độ tăng trưởng lên tới gần 63% so với năm trước. Theo đó, Ngân hàng đã có 3 năm liên tiếp đạt lợi nhuận khả quan với tốc độ tăng trưởng cao, dù đang trong giai đoạn tiến hành tái cơ cấu, lần lượt sáp nhập DaiABank và mua lại Công ty Tài chính Việt SVGF (nay được chuyển đổi sang tên HD SAISON với sự tham gia của cổ đông Nhật Bản, có tỷ lệ nắm giữ 49%).
Dù có bước đà thuận lợi, lãnh đạo HDBank cho biết, Ngân hàng xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay sau khi cân nhắc khá kỹ, bởi môi trường kinh doanh tuy có thuận lợi khi tín dụng được dự báo dần cải thiện, song vẫn còn những khó khăn nhất định. Ngày 21/4, HDBank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với một số chỉ tiêu: cho vay đạt 123.491 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước thực hiện ở mức 1.643 tỷ đồng (tăng 28% so với năm trước); tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Tương tự, với OCB, tuy nhà băng đã hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu đặt ra năm 2016 với nhiều chỉ số khả quan, như lợi nhuận trước thuế đạt 484 tỷ đồng, vượt 108% kế hoạch năm; tổng tài sản tăng 29%, đạt 63.834 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,51%, nhưng kế hoạch kinh doanh năm 2017 vẫn tỏ ra thận trọng.
Cụ thể, OCB dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 thông qua các chỉ tiêu: tổng tài sản tăng 33%, lên 85.000 tỷ đồng; chuyển dịch cơ cấu thu nhập, tăng doanh thu từ phí lên trên 12%; lợi nhuận trước thuế đạt 780 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016.
Tại Eximbank, tuy đạt xấp xỉ chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2016 với hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro, nhưng ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Ngân hàng đã phải cân nhắc cặn kẽ kế hoạch kinh doanh để trình cổ đông trong kỳ đại hội sắp tới. Bởi tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2016 vẫn xấp xỉ mức 3%, nên áp lực trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận.
Không chỉ với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ mà ngay cả những “ông lớn” trong ngành cũng tỏ ra cẩn trọng. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2016 đạt 8.212 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất là 8.500 tỷ đồng), tăng 23,4% so với năm trước đó. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tiếp tục giảm mạnh và hiện ở mức 1,44%, giảm 0,4% so với cuối năm 2015.
Thế nhưng, tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu duy trì ở mức cao, vì vậy, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được HĐQT Vietcombank đề ra cho năm 2017 khá dè dặt, nhất là với chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó, tổng tài sản tăng dự kiến 11%, tín dụng tăng 18%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 12% (9.200 tỷ đồng).
Trong khi đó, đánh giá về triển vọng kinh doanh năm 2017 của Vietcombank, Công ty Chứng khoán Ngân hàng ngoại thương (VCBS) cho rằng, Vietcombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, do giảm chi phí dự phòng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thêm vào đó, một yếu tố nữa sẽ đóng góp vào lợi nhuận Vietcombank năm 2017 là thu nhập ngoài lãi giả định tăng trưởng 10,23%, trong đó thu từ dịch vụ vẫn giữ mức tăng trưởng cao 15%.
Đối với Agribank, nhà băng này đã lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10% năm 2017. Theo kế hoạch phát triển kinh doanh năm nay, Agribank sẽ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 14 - 18% so với năm 2016. Trong đó, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%; thu từ dịch vụ tăng 20%. Lợi nhuận tăng tối thiểu 10%.
Năm 2016, lợi nhuận của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) ước đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank chỉ dưới 1%, song nhà băng này vẫn chưa tiết lộ chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017, mà chỉ cho biết ở mức phù hợp.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, thách thức trong năm 2017 của hoạt động ngân hàng vẫn là quá trình xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu chưa được đẩy nhanh xử lý, áp lực dự phòng gia tăng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các nhà băng.
Trong khi đó, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu Kinh tế Dragon Capital nhận định, mức lợi nhuận đạt được đã phản ánh thực chất năng lực của nhà băng. Tuy nhiên, lợi nhuận làm ra hàng năm đều được ngân hàng ưu tiên trích dự phòng rủi ro, nhất là ở những nhà băng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc, cổ đông ngân hàng phải hy sinh lợi ích, khó kỳ vọng nhận được cổ tức trong thời gian dài.