Sau mùa Đại hội cổ đông, ghế nóng nhiều ngân hàng đổi chủ

Nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi về nhân sự cấp cao trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024...

Nhiều ngân hàng “thay ghế” lãnh đạo trong mùa Đại hội đồng cổ đông
Nhiều ngân hàng “thay ghế” lãnh đạo trong mùa Đại hội đồng cổ đông

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay không chỉ “nóng” về vấn đề chia cổ tức, mục tiêu lợi nhuận, kế hoạch chuyển sàn… mà việc thay đổi nhân sự cấp cao cũng là vấn đề được nhiều ngân hàng đề cập tới.

Cụ thể, vào ngày 26/4 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) đã thông qua một loạt thay đổi quan trọng về nhân sự cấp cao.

Theo đó, Eximbank đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của bà Đỗ Hà Phương kể từ ngày 26/4/2024. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ chức thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank.

Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông cũng nhất trí bầu ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Đỗ Hà Phương vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với quyết định bổ nhiệm trên, Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank hiện bao gồm 7 thành viên: ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị; 4 Phó Chủ tịch (ông Trần Tấn Lộc, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam), Thành viên Hội đồng quản trị độc lập (ông Trần Anh Thắng) và Thành viên Hội đồng quản trị (ông Phạm Quang Dũng).

anh-chup-man-hinh-2024-05-08-luc-185807-8304.png
Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025)

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã chứng khoán: OCB), Hội đồng quản trị ngân hàng mới đây đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải đảm nhận vị trí Quyền Tổng Giám đốc từ ngày 6/5/2024.

Theo tìm hiểu, ông Hải có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng là người Việt Nam đầu tiên giữ chức Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam.

ocb-jpeg-5603-1714816729-9480.jpeg
Ông Phạm Hồng Hải đảm nhận quyền Tổng Giám đốc OCB từ 6/5/2024

Quyết định trên được đưa ra khi trước đó, ông Nguyễn Đình Tùng đã gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng OCB. Thời gian tới, ông Tùng sẽ tiếp tục đóng góp và đồng hành với OCB trong vai trò Thành viên Hội đồng quản trị.

Cùng khoảng thời gian trên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank – mã chứng khoán: PGB) cũng thông báo về việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Đinh Thị Huyền Thanh theo nguyện vọng cá nhân. Thông tin này được công bố ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên được diễn ra ngày 20/4/2024.

Được biết, bà Thanh gia nhập PGBank từ tháng 7/2023 và được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc từ tháng 11/2023. Như vậy, chỉ sau hơn 5 tháng giữ vai trò lãnh đạo, nữ Tổng Giám đốc PGBank đã rời “ghế nóng”.

dinh-thi-huyen-thanh20231024143035-7418.jpeg
Bà Đinh Thị Huyền Thanh từ nhiệm chức Tổng Giám đốc PGBank

Cùng lý do trên, 2 lãnh đạo khác của PGBank là ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập và ông Nguyễn Thành Tô, Phó Tổng Giám đốc cũng đã nộp đơn xin từ nhiệm.

Trước đó, PGBank đã có những thay đổi nhân sự khác nhằm kiện toàn bộ máy quản lý. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoa được miễn nhiệm chức vụ Người phụ trách quản trị ngân hàng và được điều chuyển làm cố vấn Ban Tổng Giám đốc từ ngày 10/4.

Thay vào đó, bà Nguyễn Thị Minh Thư, Phó chánh Văn phòng Hội đồng quản trị được giao phụ trách Văn phòng Hội đồng quản trị kiêm Người phụ trách quản trị ngân hàng.

Vào giữa tháng 3, PGBank đã bổ nhiệm 3 Phó Tổng Giám đốc mới sau khi nhiều nhân sự cấp cao xin từ nhiệm. Theo đó, ông Trần Văn Luân, Giám đốc Chi nhánh Đông Đô được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực. Ông Lê Văn Phú, Giám đốc Chi nhánh Hải Dương và ông Nguyễn Trọng Chiến, Giám đốc Vùng phụ trách khu vực Miền Nam đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc PGBank.

Tất cả quyết định bổ nhiệm đều có thời hạn tối đa 3 năm, ngày bắt đầu có hiệu lực là ngày 12/3/2024. Sự thay đổi nhân sự liên tiếp diễn ra trong bối cảnh PGBank đang trong quá trình tái cấu trúc sau khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank – mã chứng khoán: NAB) đã thống nhất phân công ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng.

Bên cạnh đó, ông Trần Khải Hoàn, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thường trực được bầu vào vị trí Quyền Tổng giám đốc Nam A Bank.

Đại hội cổ đông ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietA Bank – mã chứng khoán: VAB) cũng thông qua đơn từ nhiệm của ông Hoàng Vũ Tùng. Theo đó, ông Trần Ngọc Hải được bầu vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát thay vị trí ông Tùng. Như vậy, số lượng thành viên Ban Kiểm soát của VietABank là 3 người.

Tại Đại hội cổ đông thường niên, các cổ đông KienlongBank đã nhất trí bầu bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị và bà Hoàng Thị Phượng vào vị trí thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2027.

Cuối cùng, Đại hội cổ đông thường niên của Sacombank cũng thống nhất bầu thêm 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026, giao Hội đồng quản trị thực hiện các thủ tục bổ sung theo quy định.

Hiện tại, Ban kiểm soát của Sacombank bao gồm 4 thành viên, đại diện ngân hàng cho biết việc bầu bổ sung 1 thành viên nhằm đáp ứng nhu cầu giám sát của ngân hàng trong tình hình mới.

Xem thêm

Hai thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank bất ngờ xin từ nhiệm

Hai thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank bất ngờ xin từ nhiệm

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường giữa tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Eximbank mới bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT thì chỉ ít ngày trước kỳ ĐHCĐ thường niên, 2 thành viên HĐQT của ngân hàng này lại bất ngờ xin từ nhiệm…

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...