Sẽ xóa tên đại biểu Quốc hội, HĐND kê khai tài sản không trung thực

Sáng nay 20/11, với 93,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy đại biểu Quốc hội còn rất băn khoăn nhiều quy
Sẽ xóa tên đại biểu Quốc hội, HĐND kê khai tài sản không trung thực

Sáng 20/11, tại buổi họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều phóng viên đặt vấn đề bỏ điều luật về xử lý tài sản bất minh có ảnh hưởng đến quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay lần này Quốc hội sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng, được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Theo ông, luật mới mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Có các quy định liên quan đến quà tặng; có nội dung mới như kiểm soát xung đột lợi ích…

Luật đưa ra chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trước. Đó là các quy định về cơ quan có trách nhiệm kiểm soát, xác minh, cơ sở xác minh tài sản, thu nhập.

"Hiện, chúng ta đang xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý theo hướng nếu phát hiện tài sản đó do phạm tội mà có thì sẽ bị điều tra, xử lý, sung công", ông Cường nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin khi thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội, không có phương án nào đạt quá bán.

"Nguyên tắc là cái gì chắc chắn rồi, chín rồi thì đưa vào luật. Còn vấn đề chưa chín, chưa chắc chắn, ví dụ như biện pháp thu thuế hay đưa ra tòa để xử lý bất minh khi thăm dò đại biểu đều không quá bán, thì chưa quy định vào luật". Tổng thư ký Quốc hội đưa ra phân tích.

Cũng theo ông Phúc, kết quả thăm dò cho thấy đại biểu Quốc hội còn rất băn khoăn. Quốc hội thấy rằng cần có thời gian thực hiện, cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

"Luật đã có quy định biện pháp mạnh hơn. Đó là đối với cán bộ, đảng viên kê khai mà xác định thiếu trung thực thì sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, Nhà nước. Nếu anh ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nếu bị phát hiện ra thì sẽ bị xóa tên. Như vậy là mạnh mẽ hơn trước", Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhận định.

Sáng nay 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, liên quan đến đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, Luật quy định, trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Viện kiểm sát nhân dân Tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an do Chính phủ quy định.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...