Siết dự án BT, Bộ Tài chính nói gì?

Chiều 5/10, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT.
Siết dự án BT, Bộ Tài chính nói gì?

Tại họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn.

“Luật quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Về nguyên tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Hiện tại, Chính phủ cũng đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công”, ông Thịnh phân tích.

Tuy nhiên, đến nay Nghị định chưa được ban hành, để lại một khoảng trống pháp lý lớn. 

Hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan cũng rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo cũng được Thủ tướng, Phó thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ và đưa ra bàn tại phiên họp tháng 8.

Sau phiên họp, Chính phủ đã có Nghị quyết giao bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện nhiều nội dung cả về đầu tư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT.

Đại diện Bộ Tài chính cũng chia sẻ thêm về việc Nghị quyết đảm bảo không ảnh hưởng tới dự án đã thực hiện, đặc biệt là dự án đã ký kết hợp đồng BT.

Trước đó vào cuối tháng 7/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Tháng 3/2018, Bộ Tài chính có văn bản 3515 yêu cầu từ ngày 1/1/2018 các địa phương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý dự thảo nghị định BT của Bộ Tài chính. Theo HoREA, việc chậm ban hành nghị định có thể mang lại một số rủi ro cho nhà đầu tư dự án BT như chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT, chậm bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT, nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, BT là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển. Với những khiếm khuyết của các dự án BT trước đây, việc xây dựng một nghị định mới để quản lý chặt chẽ hơn là điều cần thiết.

Những dự án BT nào phát sinh lệch lạc cần kiểm tra, kiểm toán và xử lý cụ thể, tránh tình trạng “đổi rẻ đất vàng”. Nhưng để tránh tình trạng “treo” quá lâu với số phận các dự án BT đã thực hiện, cần sớm ban hành nghị định với hành lang pháp lý rõ ràng để không làm thất thoát vốn của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, hài hòa lợi ích cho tất cả những chủ thể tham gia.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...