Lý giải về điều này, Tổng cục trưởng Thống kê cho hay luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Tuy nhiên, đã 90 ngày từ 17/1, USC Interco chưa góp đủ vốn.
Cuối tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho một doanh nghiệp ở Hoài Đức có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Khi cấp giấy chứng nhận, cán bộ đăng ký kinh doanh thấy bất thường vì số vốn quá lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định là không nhầm và cam kết sẽ góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày theo đúng quy định.
Đây là mức vốn điều lệ lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau PVN và EVN và tương đương tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và thậm chí còn lớn hơn vốn điều của Viettel.
Rất nhanh chóng lai lịch các cổ đông của USC Intercon được xác minh, trong đó 1 cổ đông nắm giữ 30% cổ phần – tương ứng sẽ góp 43.200 tỷ đồng cho biết mình sống bằng nghề ship nước khoáng và cho mượn giấy tờ để thành lập công ty. Cổ đông này cho biết con số vốn điều lệ không tưởng trên là do "ghi nhầm khi say rượu" và sẽ tiến hành các thủ tục để hủy hồ sơ thành lập công ty.
Hiện, trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tình trạng của USC Interco được ghi chú là: Bị khóa.
Người đại diện theo pháp luật của USC Interco là ông Trần Gia Phong còn là người đại diện theo pháp luật của Cty TNHH Tư vấn đầu tư Xây dựng và Phát triển thương mại Xuất nhập khẩu USC (USC IETDACI) và công ty này cũng ở trong tình trạng Bị khóa.
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã phân cấp cho các sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), phòng đăng ký kinh doanh địa phương. Khi thông tin về doanh nghiệp trên chuyển lên Bộ KH&ĐT, Cục Đăng ký kinh doanh đã rà soát, trao đổi lại với Sở KH&ĐT và phát hiện ra điểm bất cập, kịp thời chấn chỉnh.
Ông Lâm cho rằng trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma”.