Chia sẻ tại buổi tọa đàm Startup - Từ ý tưởng đến thực tiễn do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV) cho biết, để khởi nghiệp thành công, yếu tố quan trọng nhất là nội lực của các bạn trẻ.
Ông Trường cho biết, hiện nay nhiều thanh niên bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng theo ông Trường, vốn không hẳn là yếu tố quyết định. Để có vốn, thanh niên có thể tận dụng từ nhiều nguồn khác nhau như vay mượn bố mẹ, anh em, bạn bè và tận dụng rất nhiều nguồn lực xã hội khác.
Yếu tố quan trọng thứ hai trong khởi nghiệp theo ông Trường vẫn là trường học, vì đây là nơi cung cấp kiến thức, ươm mầm ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn lên.
“Sinh viên có trí tuệ rất tốt, có khả năng tiếp cận nhanh nhất về công nghệ về kiến thức nhưng vẫn còn khoảng cách để tạo ra được dự án thực sự khả thi. Nguồn lực tạo ra khởi nghiệp thành công không phải là vốn mà là nguồn lực phi tài chính. Khi các bạn sinh viên có khả năng tạo nguồn lực từ chính mình, từ đồng đội của mình mới là nguồn lực quan trọng”, ông Trường chỉ rõ.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Trường, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, trường đại học chính là cái nôi đào tạo khởi nghiệp lớn nhất của sinh viên.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội hàng năm tuyển sinh khoảng 6.000 sinh viên, 2/3 trong số đó tốt nghiệp, tức là có khoảng 4.000 sinh viên ra trường đúng thời hạn và khoảng 1% trong số sinh viên ra trường, tức là khoảng 40 sinh viên thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong thời gian qua, Đại học Bách khoa đã bổ sung những kế hoạch, kỹ năng quản lý kinh tế, khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất.
“Nhà trường mong muốn tạo ra môi trường để cho các bạn sinh viên sáng tạo hơn trong nghiên cứu, tạo ra các không gian mở cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cựu sinh viên đã có những thành công, hay kinh nghiệm khởi nghiệp đối với các em sinh viên khởi nghiệp ở Bách khoa Hà Nội. Đó là những đào tạo kỹ năng mềm, giúp cho các em hoàn thiện bản thân hơn trong quá trình thực hiện”, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng mong muốn.
Theo ý kiến từ các bạn sinh viên có ước muốn khởi nghiệp, những thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm có thể giúp sinh viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp của mình, biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.
Bạn Dương Phương Anh, sinh viên Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng, chương trình tọa đàm đã hướng đến cho các sinh viên nhiều ý tưởng cũng như những kinh nghiệm được đúc rút từ những chuyên gia, những tấm gương khởi nghiệp thành công, từ đó các bạn sinh viên biết bắt đầu từ đâu để khởi nghiệp cho tốt.