Sở Tài chính Thái Bình: Có hiện tượng “thổi giá” khi mua sắm tập trung?

Liên tục trong 3 năm qua, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính - Sở Tài Chính Thái Bình được UBND tỉnh Thái Bình giao tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung nhiều danh mục hàng hóa với quy mô lớn.
Sở Tài chính Thái Bình: Có hiện tượng “thổi giá” khi mua sắm tập trung?

Các gói thầu mua sắm hàng hóa tập trung được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước và phải tuân thủ thực hiện theo quy định về pháp luật đấu thầu.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, Hồ sơ mời thầu (HSMT) của những gói thầu này được Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính - Sở Tài chính Thái Bình lập và phát hành có nhiều quy định đưa ra “không bình thường”, có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Ngoài ra, nhiều đơn giá của không ít tài sản được đơn vị phê duyệt trúng thầu không gấp nhiều lần so với mức giá công bố trên thị trường.

Đưa nhiều quy định hạn chế nhà thầu

Một số gói thầu mua sắm tập trung của Trung tâm tư vấn và Dịch vụ Tài chính - Sở Tài chính Thái Bình có dấu hiệu không tuân theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 và Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây đều là những gói thầu có giá trị lớn, mua sắm tập trung sử dụng nguồn vốn nhà nước. Và nhà thầu Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A liên tục trúng các gói thầu trên.

Đơn cử như đối với Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung Máy in, máy chiếu, máy photocopy đợt 1 năm 2018. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi. Giá gói thầu 2.164.240.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A, với giá trúng thầu 2.142.632.000 đồng. (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) số 27/QĐ-TT ngày 26/04/2018).

Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung Máy in, máy chiếu, máy photocopy đợt 2 năm 2018. Hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi. Giá gói thầu 1.689.540.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu cũng là Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A, với giá trúng thầu 1.686.900.000 đồng. (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 35/QĐ-TT ngày 24/10/2018).

Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung thiết bị máy in, máy chiếu, máy photocopy năm 2019. Hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi. Giá gói thầu 3.586.900.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu vẫn là Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A, với giá trúng thầu 3.571.590.000 đồng. (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 18/QĐ-TT ngày 11/05/2019).

Gói thầu số 02: Mua sắm tập trung máy tính đợt 1 năm 2020. Hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi. Giá gói thầu 8.600.120.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A, với giá trúng thầu: 8.202.400.000 đồng (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 31/QĐ-TT ngày 29/04/2020).

Tất cả các gói thầu mua sắm trên đều có nguồn vốn Ngân sách Nhà nước từ kinh phí Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu viện phí, học phí của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ngoài ra, Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước nêu rõ: Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, HSMT của những gói thầu mua sắm trên được Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính - Sở Tài chính Thái Bình lập và phát hành có nhiều quy định đưa ra “không bình thường”, có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Đơn cử như đối với gói thầu số 03: Mua sắm tập trung Máy in, máy chiếu, máy photocopy đợt 1 năm 2018, tại phần kỹ thuật trong HSMT yêu cầu: Đối với máy photocopy loại 1, loại 2, loại 3, loại 5, loại 7, chủ đầu tư yêu cầu: ngôn ngữ in: UFR II; ngôn ngữ in UFR II LT (đối với máy photocopy loại 4)... Trong khi đây đều là những công nghệ, thiết bị độc quyền của hãng Canon.

Một trong những quyết định lựa chọn nhà thầu của Trung tâm tư vấn & Dịch vụ tài chính Sở tài chính Thái Bình
Một trong những quyết định lựa chọn nhà thầu của Trung tâm tư vấn & Dịch vụ tài chính Sở tài chính Thái Bình

Hoặc như Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung máy in, máy chiếu, máy photocopy đợt 2 năm 2018. Phần máy in phun màu, HSMT yêu cầu phải sử dụng mực: BLACK T6731, CYAN T6732, MAGENTA T6733, YELLOW T6734, LIGHT CYAN T6735, LIGHT MAGENTA T6736. Trong khi mực này dùng cho máy Epson. Tương tự, đối với máy in kim, yêu cầu: Sử dụng công nghệ 24- pin dot matrix là công nghệ của máy Olivetti.

Ngoài việc đưa ra các tính năng kỹ thuật độc quyền thuộc thông số kỹ thuật của hàng hoá, chủ đầu tư còn đưa ra các yêu cầu rất khó hiểu trong HSMT. Đó là, nhà thầu phải có tối thiểu 02 đại lý hoặc đại diện trên địa bàn tỉnh Thái Bình có chức năng phù hợp với gói thầu, có khả năng sẵn sàng để thực hiện các nghĩa vụ bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế, khắc phục hư hỏng, sai sót trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư; Nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh là bản gốc hoặc bản sao được công chứng bởi cơ quan có chức năng trong vòng 6 tháng trở lại đây của cơ quan có chức năng tính đến thời điểm đóng thầu của Hợp đồng đại lý kèm giấy đăng ký kinh doanh của đại lý có chức năng phù hợp với gói thầu để bên mời thầu kiểm tra nếu nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng.

Một chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, HSMT đưa ra tiêu chí như trên có thể hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Nếu chỉ giới hạn phạm vi trong địa bàn Thái Bình thì sẽ có ít nhà thầu tham gia và Bên mời thầu có ít sự lựa chọn hơn. Trong khi đó, các nhà thầu ở khu vực lân cận có năng lực, kinh nghiệm lại không có cơ hội để chào hàng cạnh tranh công bằng.

Vị chuyên gia cho biết, theo hướng dẫn tại Mục 15.2 Chương II Mẫu E-HSMT giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế. “Không có quy định bắt buộc nhà thầu phải có tối thiểu 02 địa điểm bảo hành trên địa bàn của chủ đầu tư”- vị chuyên gia bình luận.

Không cho nhà thầu làm rõ năng lực kinh nghiệm dù Luật cho phép

Thực tế, khi tổ chức đấu thầu Gói thầu số 02: Mua sắm tập trung máy tính đợt 1 năm 2020, ở phần đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, nhà thầu Công ty CP thương mại và phát triển công nghệ Kinh Bắc bị loại do nhà thầu kê khai chỉ có một đại lý bảo hành trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Các hợp đồng nhà thầu kê khai và cung cấp tương tự về tính chất, chủng loại các gói thầu đang xét nhưng không đáp ứng yêu cầu về quy mô hợp đồng.

Báo cáo đánh giá HS dự thầu số 520/BC-VCHP do Công ty Cổ phần tư vấn thẩm định giá VCHP gửi Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính - Sở tài chính Thái Bình ngày 27/4/2020 nêu rõ, ngay sau khi hoàn thành mở thầu vào lúc 16 giờ ngày 16/4/2020, tổ chuyên gia đấu thầu đã tiến hành xem xét đánh giá E -HS dự thầu của nhà thầu tham dự gói thầu về tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm kỹ thuật và giá từ ngày 16/4/2020 đến ngày 27/4/2020. Trong đó kết quả đánh giá về năng lực kinh nghiệm nhà thầu Công ty CP thương mại và phát triển công nghệ Kinh Bắc “Không đạt” tại bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.

Đáng chú ý, chủ đầu tư cũng không cho nhà thầu làm rõ năng lực, kinh nghiệm mà loại ngay nhà thầu. Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 63/NĐ-CP và Chỉ thị 47/CT-TTg (điểm b Mục 5) quy định đánh giá Hồ sơ dự thầu/Hồ sơ đề xuất phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo các yêu cầu nêu trong HSMT/HSYC, nội dung HS dự thầu/HS đề xuất, tài liệu làm rõ HS dự thầu /HS đề xuất (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch. Trường hợp có những thông tin cần làm rõ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ.

Kết quả, Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A là nhà thầu cuối cùng vào vòng kỹ thuật, cũng là nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 02: Mua sắm tập trung máy tính đợt 1 năm 2020.

Giá trúng thầu cao bất thường

Các gói thầu được Sở Tài chính Thái Bình mua sắm tập trung đều là những mặt hàng hóa thông dụng trên thị trường với nhiều chủng loại, kiểu dáng của nhiều hãng khác nhau. Nhưng điều bất thường ở đây là một số sản phẩm có giá trị trúng thầu cao hơn giá trị thực tế được rao bán chính hãng cũng như các siêu thị điện máy lớn. Hơn nữa, có mặt hàng có giá trúng thầu cao gần gấp đôi giá thực tế.

Đơn cử như đối với Gói thầu 03: Mua sắm tập trung máy móc, thiết bị văn phòng đợt 1 năm 2020. Tại thông báo trúng thầu được Sở Tài chính Thái Bình công bố, đơn giá trúng thầu đối với mặt hàng máy photocopy (loại 3) nhãn hiệu Canon IR2530W, đơn giá trúng thầu được duyệt 67.500.000, xuất xứ Thái Lan. Nhưng trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, giá công bố Máy photocopy Canon IR2530W xuất xứ Thái Lan tại trang web chính thức Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ Quang Minh, đại lý phân phối chính thức của hãng Cannon tại Việt Nam: 47.000.000 VNĐ. Như vậy, giá trúng thầu do Sở Tài Chính Thái Bình tăng 40% so với giá công bố của Đại lý phân phối chính thức trên thị trường.

Tương tự, đối với Máy photocopy (loại 2) nhãn hiệu Canon IR2525W xuất xứ Thái Lan. Đơn giá trúng thầu được Sở Tái chính Thái Bình phê duyệt 54.000.000 VNĐ, trong khi mức giá đối với chủng loại tương tự được đại lý phân phối chính thức công bố 37.500.000 VNĐ. Như vậy, đơn giá trúng thầu tăng 30% so với mức giá bán do đại lý phân phối trên công bố công khai.

Ngoài máy photocopy, nhiều chủng loại tài sản khác như Điều Hoà nhãn hiệu LG V10ENW, Điều Hoà LG V13ENS được Sở Tài chính Thái Bình phê duyệt đơn giá trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Trong lĩnh vực đấu thầu, mục đích của việc đấu thầu là để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, cùng sản phẩm, cấu hình đó nhưng phải có giá thấp nhất, tiết kiệm nhất, chế độ bảo hành tốt nhất. Nhưng việc đấu thầu tại gói thầu này lại áp dụng theo khung giá cao “chót vót” như vậy, phải chăng Sở Tài chính Thái Bình đang có dấu hiệu đi lệch với chủ trương trên?

Được biết, trong số các gói thầu mua sắm tài sản nhà nước thuộc tỉnh Thái Bình, theo tìm hiểu của từ năm 2018 đến nay, nhà thầu Công ty TNHH Máy tính Toàn Cầu Q&A đều thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đáng chú ý có gói thầu chỉ duy nhất nhà thầu Q&A tham dự và trúng thầu, như Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung thiết bị in, máy chiếu, máy photocopy đợt 2 năm 2018, với giá trúng thầu: 1.686.900.000 đồng, trong khi giá gói thầu:1.689.540.000 đồng, tức tỷ lệ tiết kiểm chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng.

Công ty TNHH máy tính Toàn Cầu Q và A có địa chỉ tại số 41 Đường Lê Lợi , tổ 19, phương Lê Hồng Phong , TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Số nhân viên: 30 người. Ngày thành lập: 19/4/2011.

Tuệ Minh- Ngọc Trâm

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...