Sóc Trăng: Xây cảng cửa ngõ quốc tế Trần Đề cần 4,1 tỷ USD

Tại cuộc họp về báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) đại diện Cục hàng hải VN đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét bố trí nguồn
Sóc Trăng: Xây cảng cửa ngõ quốc tế Trần Đề cần 4,1 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng các đơn vị liên quan vừa có buổi họp về báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch cảng biển Trần Đề.

Đơn vị tư vấn là Công ty CP tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB). Theo đơn vị này, cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, đường bờ dài 20km, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng -10m để đảm bảo ít bị tác động sa bồi và được kết nối với bờ bằng cầu vượt biển.

Qua quá trình phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án quy hoạch cảng Trần Đề.

Phương án 1, bao gồm: xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km (10 bến than, 16 bến tổng hợp, container).

Phương án 2, các hạng mục xây dựng bao gồm: đê chắn sóng, cát dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km.

Cả 2 phương án đều dự kiến tổng công suất bến cảng Trần Đề sẽ đạt khoảng 150 triệu tấn, cỡ tàu lớn nhất có thể đón được là 200.000 DWT.

Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho tất cả các hạng mục khoảng hơn 4,1 tỷ USD được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn.

Xét thấy, nguồn vốn đầu tư cảng quá lớn, đại diện Cục hàng hải VN đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nhà đầu tư một phần cho các hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến cảng (cầu vượt biển) và cơ sở hạ tầng hàng hải công cộng (luồng tàu, đê kè chắn sóng,..) theo hình thức đối tác - công tư (PPP). Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu cơ quan liên quan liên hệ với Bộ Công thương đánh giá lại khả năng, chủ trương sắp tới có thể xây dựng cảng trung chuyển tập trung hay có thể chia nhỏ ra để tạo điều kiện cho các DN.

Trước đó, tháng 3/2018 thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tập đoàn International Development Consortium (ILDC – Cộng hòa Pháp) đã đề xuất được xây dựng dự án Cảng nước sâu Trần Đề với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD.

Nhà đầu tư này đề nghị xây dựng Khu phức hợp gồm cụm cảng biển Trần Đề (quy mô đón được tàu 200.000 DWT), khu dịch vụ cảng và đô thị; khu công nghiệp gắn liền với cảng trên diện tích 6.000 ha.

Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, Bộ đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cảng biển Trần Đề trong hệ thống cảng biển quốc gia là cảng biển đặc biệt (loại IA).

Theo đó, cảng Trần Đề sẽ có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 >>Điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển để... tăng thu của DN nước ngoài

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...