Sáng nay (6/1), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 và nhiệm vụ 2024.
Cụ thể, ông Tùng cho biết, Vietcombank đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế tăng 10,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023. Với kết quả trên, khả năng cao Vietcombank sẽ tiếp tục giữ vững “ngôi vương” quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, năm 2023, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROAA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.
Bên cạnh đó, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Đáng chú ý, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97% - thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN đạt mức 185%.
Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank là doanh số giữ nhịp tăng trưởng. Cụ thể, năm 2023, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của ngân hàng đạt 19,2%. Doanh số thanh toán, sử dụng thẻ tăng lần lượt 24,3% và 20,5% so với năm 2022. Trong năm, nền tảng khách hàng của ngân hàng tiếp tục được mở rộng.
Một nội dung đáng chú ý khác, theo ông Tùng, ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu bằng VND. Đồng thời, ngân hàng đã thực hiện 46 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng SMEs và thể nhân, 8 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.
"Với nhiều đợt giảm lãi suất cho vay trong suốt cả năm 2023, Vietcombank đã giảm gần 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng", Tổng giám đốc Vietcombank cho biết.
Về định hướng kinh doanh năm 2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%, tổng tài sản tăng từ 8% trở lên, tín dụng tăng từ 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,5%. Với mục tiêu tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng này được đặt mục tiêu ở mức trên 47.260 tỷ đồng, tương đương gần 1,95 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2024, Vietcombank cũng cho biết sẽ quyết liệt triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, sẽ tích cực triển khai các công việc cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc đồng thời triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Trước đó, tháng 4/2023, Vietcombank cũng từng hé lộ về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Theo đó, Vietcombank sẽ tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém nhưng chưa tiết lộ danh tính.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay có DongABank, 3 ngân hàng 0 đồng gồm: CB, OceanBank, GPBank. Cuối năm 2022, SCB cũng là ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Cũng trong ngày 6/1, một ngân hàng khác trong nhóm Big 4 là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết hoạt động bán chéo của VietinBank tăng trưởng tích cực, đóng góp lớn vào tổng thu nhập (chiếm tỷ trọng là 35%). Ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) ở mức 28%, thấp nhất trong nhóm Big4 và thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành.
Về chất lượng tín dụng trong năm qua cũng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, đạt 1,5 triệu tỷ đồng; trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, VietinBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 53.700 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Dự kiến nếu hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông 2023 phê duyệt, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên hơn 66.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng từ 5-10%; tín dụng tăng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao khoảng hơn 14%. Huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng đảm bảo các chỉ số an toàn về thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%. Lợi nhuận riêng lẻ trước thuế theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 4/1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông tin về một số chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2023 của ngân hàng.
Trong đó, tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2023 vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Nợ xấu dưới 2%.
Theo Agribank, lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 ước đạt 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Con số này thấp hơn mục tiêu mà ngân hàng đã đề ra vào cuối tháng 5/2023 là 26.200 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Agribank đã 28 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, 8 lần giảm lãi suất cho vay và có 13 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Agribank đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ (bằng với số lợi nhuận giữ lại các năm trước đó của ngân hàng), nâng số vốn điều lệ lên hơn 51.000 tỷ đồng.