Soi tình hình tài chính của công ty bảo hiểm Dai-Ichi Việt Nam

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm vướng vào khá nhiều lùm xùm liên quan đến các sai phạm của doanh nghiệp phân phối. Cùng lúc, doanh thu và lợi nhuận của Dai-Ichi Việt Nam cũng tăng vọt...

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam thuộc sở hữu 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam thuộc sở hữu 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản

Ngày 2/10, Bộ Tài chính đã thanh tra xong một vài công ty bảo hiểm, trong đó có Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam (Dai-Ichi Việt Nam). Tuy nhiên, sau gần 2 tháng tính từ thời điểm đó, nội dung cụ thể về kết luận vẫn chưa từng xuất hiện trong dòng chảy thông tin.

Điều này khiến thị trường, đặc biệt nhóm khách hàng đã mua sản phẩm tại Dai-Ichi Việt Nam rất tò mò về tình hình kinh doanh, cũng như việc cơ quan chức năng có đánh giá công ty bảo hiểm đang vi phạm pháp luật hay không.

DAI-ICHI VIỆT NAM LÀ AI?

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện nay, ngoài ông lớn Bảo Việt, còn có khoảng 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% từ nước ngoài. Trong đó, có 3 doanh nghiệp đạt mức doanh thu trên 20.000 tỷ đồng và đây cũng là 3 ông lớn trong ngành với khối tài sản cao ngất ngưởng, bao gồm Prudential, Manulife và Dai-Ichi Việt Nam.

Dai-Ichi Việt Nam được biết đến là công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập vào năm 2000. Trước đó, doanh nghiệp này là một công ty liên doanh với tên gọi là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG được Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp phép ngày 12/10/1999.

Đến 2007, Công ty đổi thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam, thuộc sở hữu 100% vốn đầu tư của Công ty The Dai-ichi Mutual Life Insurance Company (doanh nghiệp của Nhật Bản). Và hiện nay, công ty thuộc sở hữu của Dai-ichi Life Holding Inc, với thời hạn hoạt động 30 năm.

Dai-Ichi Việt Nam có trụ sở chính đặt tại toà nhà Dai-ichi Life, số 149-151 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ngành nghề hoạt động chính của Dai-Ichi Việt Nam là: Cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (từ bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm bổ trợ), dịch vụ bảo hiểm sức khoẻ và thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, Dai-Ichi Việt Nam có một công ty con là Công ty TNHH Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam, với số vốn chiếm 100%. Hoạt động chính của công ty con là thành lập và quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý các danh mục đầu tư uỷ thác và đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Hội đồng thành viên của Dai-Ichi Việt Nam có tới 7 người, nhưng chỉ có 2 người mang quốc tịch Việt Nam là ông Trần Đình Quân và ông Đặng Hồng Hải. Trong đó, vào ngày 7/1/2020, ông Quân được bầu làm Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc công ty, còn trước ông Quân là ông Takashi Fujii (quốc tịch Nhật Bản).

Dai-Ichi Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Minh chứng là sau hơn 16 năm hình thành và phát triển, Dai-Ichi Việt Nam không ngừng lớn mạnh về tầm vóc, vị thế với số lượng khách hàng tăng gấp 14 lần, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 59 lần, tổng vốn đầu tư tăng 53 lần và tổng giá trị tài sản tăng 82 lần.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang phục vụ tới hơn 4,5 triệu khách hàng và gia đình với đội ngũ 2.000 nhân viên và 114.000 tư vấn tài chính. Tính đến hết ngày 31/12/2022, Dai-Ichi Việt Nam có tới 66 văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh trải rộng cả nước.

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH DAI-ICHI VIỆT NAM ĐANG RA SAO?

Dai-Ichi là tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản, vậy tập đoàn này đang hoạt động và phát triển như thế nào ở Việt Nam?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, tình hình kinh doanh của Dai-Ichi Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2017- 2022 tăng khá nhanh.

Tổng doanh thu của công ty tăng lần lượt từ 8.603 tỷ đồng lên 12.336 tỷ đồng, 14.142 tỷ đồng, 16.890 tỷ đồng, 20.162 tỷ đồng và lên tới 23.833 tỷ đồng. Đồng nghĩa, trong 6 năm, tổng doanh thu công ty này đã tăng 2,76 lần.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Đặc biệt là năm 2022, với kết quả đạt được lên tới 21.355 tỷ đồng, chiếm 89% tổng doanh thu của Dai-Ichi Việt Nam. Đây cũng là năm có doanh thu cao nhất trong 6 năm tài chính vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tình hình kinh doanh của Dai-Ichi Việt Nam.jpg
Tình hình kinh doanh của Dai-Ichi Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2017- 2022

Ngoài ra, doanh thu hoạt động đầu tư tài chính của Dai-Ichi Việt Nam cũng không ngừng tăng lên trong những năm qua. Cụ thể, năm 2017, thu từ hoạt động đầu tư của công ty đạt mức 501 triệu đồng và tiếp tục tăng nhẹ lên 685 tỷ đồng vào năm 2018, tiếp tục lên mức 884 triệu đồng (năm 2019), 1.056 triệu đồng (năm 2020), rồi 1.879 tỷ đồng (năm 2021) và 2.245 tỷ đồng vào năm 2022. Tăng 4,4 lần trong 6 năm.

Còn về chi phí doanh nghiệp, chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chỉ tiêu này chiếm tới 70-80% tổng chi phí. Ngược lại, chi phí khác là chi phí chiếm tỷ trọng thấp nhất, khoảng 0,02%.

Trong chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Dai-Ichi Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022 chiếm tỷ lệ khá cao và có dấu hiệu tăng qua các năm. Đặc biệt, năm 2022 có tỷ lệ tăng mạnh nhất, tăng tới 2.111 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương từ 8.156 tỷ đồng lên 10.267 tỷ đồng. Trong khi, năm 2017 chỉ có 3.837 tỷ đồng.

Một khoản chi nữa cũng được các khách hàng và nhà đầu tư quan tâm là khoản chi phí hoa hồng trả cho đại lý bảo hiểm của Dai-Ichi Việt Nam. Tại đây, mức chi này chiếm tỷ lệ tương đối trong cơ cấu, cụ thể, năm 2017 là 1.431 tỷ đồng, tăng lên 1.746 tỷ đồng (năm 2018), 1.851 tỷ đồng (năm 2019), 2.072 tỷ đồng (năm 2020), 2.179 tỷ đồng (năm 2021) và đạt 2.661 tỷ đồng vào năm 2022.

Về lợi nhuận, qua báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam giai đoạn 2017-2022 ta dễ dàng nhận thấy, năm 2017, công ty lỗ trước thuế tới 531 triệu đồng, nhưng sang năm 2018, công ty đã vực dậy lấy lại vị thế và đạt mức 38 tỷ đồng.

Con số này tiếp tục tăng vọt từ năm 2019 đến 2021, lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt là 1.595 tỷ đồng (tăng 4197% so với cùng kỳ năm trước), lên 1.608 tỷ đồng (năm 2020) và 3.304 vào năm 2021. Nhưng đến năm 2022 thì chỉ tăng nhẹ lên 3.305 tỷ đồng.

Tiếp đến là về cơ cấu tài sản Dai-Ichi Việt Nam, trong giai đoạn 2017-2022 có xu hướng tăng đều trong các năm. Cụ thể, tổng tài sản của công ty năm 2017 là 17.637 tỷ đồng, sang năm 2018 tăng mạnh lên 24.042 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2017.

Đến năm 2019, con số này tiếp tục tăng lên 29.950 tỷ đồng, 37.314 tỷ đồng (năm 2020), lên 46.266 tỷ đồng (năm 2021) và tiếp tục tăng tới lên 58.041 tỷ đồng, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tại Dai-Ichi Việt Nam làm nên cơ cấu tài sản của công ty chủ yếu là tài sản dài hạn. Trong đó, khoản mục có giá trị cao nhất là các khoản đầu tư tài chính dài hạn, con số này đã tăng từ 12.697 tỷ đồng (năm 2017) tăng lên 41.313 tỷ đồng (năm 2022), tăng 3,2 lần trong 6 năm.

Sở dĩ giá trị các khoản đầu tư dài hạn của công ty chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tài sản là bởi công ty gia tăng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, cho vay... thông qua công ty con là một công ty quản lý quỹ. Riêng trong năm 2022, các khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm tới 85% tài sản dài hạn.

Về cơ cấu nguồn vốn của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam có sự tăng giảm qua các năm từ 2027 đến 2022, nhưng chính chung là vẫn tăng 3,2 lần.

Cụ thể, tổng nguồn vốn của công ty vào năm 2017 là 17.637 tỷ đồng, đến năm 2018 đã tăng trên 36%, tức là tăng 6.405 tỷ đồng, đạt mức 24.042 tỷ đồng. Đến năm 2019 tiếp tục tăng 24,5%, làm tổng vốn tăng thêm 5.908 tỷ đồng, lên 29.950 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, tổng nguồn vốn của Dai-Ichi Việt Nam tăng lên 37.314 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019.

Đến năm 2021 và 2022, con số này tiếp tục tăng lần lượt là 23,9% và 25%, tương đương tăng thêm 8.952 tỷ đồng và 11.775 tỷ đồng lên 46.266 tỷ đồng và 58.041 tỷ đồng.

Trong tổng nguồn vốn, tỷ trọng nợ phải trả luôn ở mức cao hơn tỷ trọng của vốn chủ sở hữu và con số này không ngừng được đẩy lên cao lên qua các năm. Cụ thể, năm 2017, tỷ trọng của nợ phải trả chiếm 67%, tương ứng với 11.899 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ vào năm 2018 là 66%, nhưng lại tiếp tục tăng lên vào 2 năm tiếp theo chiếm 68%, 71%.

Đến năm 2021, tỷ lệ này bằng năm 2020 là 71%, đạt mức 32.851 tỷ đồng. Năm 2022, tỷ trọng nợ phải trả của Dai-Ichi giảm nhẹ xuống còn 865 tỷ đồng, tương ứng 39.880 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm, nợ phải trả của công ty này đã tăng 3,3 lần.

Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến tỷ trọng nợ phải trả tăng vọt trong những năm qua là do công ty vay nợ để thực hiện khoản mục đầu tư cho năm tiếp theo.

Ngoài ra, trong cơ cấu nợ phải trả thì nợ dài hạn của Dai-Ichi Việt Nam luôn chiếm phần lớn tỷ trọng. Năm 2017, chiếm tới 85% nợ phải trả, đến năm 2022, tương đương 10.147 tỷ đồng và con số này đã lên tới 91%, tương đương 36.502 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là dự phòng toán học và dự phòng phí chưa được hưởng. Như vậy, sau 6 năm, nợ dài hạn đã tăng tới 3,5 lần.

Vốn chủ sở hữu của công ty cũng tăng 3,1 lần từ 2017 đến 2022, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổng nguồn vốn của Dai-Ichi Việt Nam tăng không ngừng trong thời gian qua.

Năm 2017, vốn chủ sở hữu của Dai-Ichi là 5.747 tỷ đồng, con số này tăng lên 8.068 tỷ đồng (năm 2018), 9.342 tỷ đồng (năm 2019), 10.627 tỷ đồng (năm 2020), 14.414 tỷ đồng (năm 2021) và tăng lên 18.160 tỷ đồng vào năm 2022.

Mặc dù, thông qua các chỉ số ta có thể thấy công tác quản lý nguồn vốn của doanh nghiệp này vẫn đang duy trì ở mức ổn định, nhưng Dai-Ichi Life Việt Nam cũng có thể cân nhắc việc sử dụng đòn bẩy tài chính để kích thích hoạt động của công ty.

Cơ cấu tài sản Dai-Ichi Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022.jpg
Cơ cấu tài sản của Dai-Ichi Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2017-2022

Ngoài ra, còn một điểm đáng chú ý là vòng quay tổng tài sản của công ty này có xu hướng giảm qua các năm từ 2017 đến 2022. Cụ thể, vòng quay tổng tài sản năm 2017 là 0,54, nhưng năm 2018 chỉ còn 0,53, 0,47 (năm 2019), 0,44 (năm 2020) và năm 2021 giảm tiếp còn 0,42.

Bước sang đến năm 2022, vòng quay tổng tài sản của Dai-Ichi Life Việt Nam chỉ còn 0,4, giảm 0,02 vòng so với năm trước. Đồng nghĩa, cứ 1 đồng vốn sử dụng trong năm 2022 tạo ra doanh thu thuần ít hơn so với năm 2021 là 0,02 đồng.

Cần nhấn mạnh rằng là, những năm qua, Dai-Ichi Life Việt Nam liên tục đẩy mạnh hợp tác và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm (bancassurance) đã giúp doanh thu của công ty tăng mạnh, thậm chí vượt lên trên ngưỡng tỷ USD mỗi đơn vị. Cụ thể, Dai-ichi Life hợp tác với ngân hàng SHB và Sacombank.

Ngoài ra, theo báo cáo tài chính của Dai-Ichi Life Việt Nam, từ khi thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (Dai-ichi Life Fund), hàng năm, doanh nghiệp này đã nhận hàng tỷ đô la tiền ủy thác đầu tư từ công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Life Việt Nam.

Số tiền này vẫn không ngừng tăng và đang được Dai-ichi Life Fund chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...