Sửa đổi Nghị định về kinh doanh khí: DN nhỏ mừng, DN lớn băn khoăn

Liên tục trong hai ngày 22/3 và 24/3 là 2 hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về kinh doanh khí (dự thảo Nghị định thay thế Nghị định19/NĐ-CP/2016) và đây là 02 hội thảo hiếm thấy.
Sửa đổi Nghị định về kinh doanh khí: DN nhỏ mừng, DN lớn băn khoăn

“Hiếm” bởi “Ít có hội thảo chính sách nào mà các quan điểm đối chọi nhau chan chát và thảo luận hết sức sôi nổi từ chính các DN trong ngành. Hai DN cùng ngành của một tỉnh cũng phát biểu gay gắt ngược chiều nhau”, vị chủ trì Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.

"Một mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Nghị định 19 là “Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền về điều kiện kinh doanh”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương – đồng chủ trì hội thảo và là thành viên nhóm dự thảo Nghị định khẳng định. 

Và tinh thần của dự thảo Nghị định hiện nay là thay đổi cách thức quản lý, trao quyền tự chủ hơn cho DN và thị trường, không còn áp đặt các giới hạn về quy mô kinh doanh, trao quyền tự lựa chọn các hình thức tổ chức kinh doanh như tự chọn cách thức tổ chức hệ thống phân phối, không áp đặt cứng như trước đây, bỏ yếu tố sở hữu, không còn yêu cầu thương nhân phải sở hữu trạm chiết...

Ở hướng ngược lại, nội dung trong dự thảo Nghị định cũng nâng cao các tiêu chuẩn an toàn, chuyển trọng tâm quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Rất nhiều DN đã đánh giá cao và cho rằng tư duy này là đúng, việc thị trường nên để thị trường lo. Điều này tránh được tình trạng lũng đoạn "cá mập" khi giá gốc một bình gas đến tay đại lý là 230.000 đồng nhưng qua vòng vèo hệ thống phân phối, khi đến tay người tiêu dùng là 340.000-370.000 đồng. Quy định cách này buộc các DN lớn phải cạnh tranh và cho phép các DN nhỏ bước chân đàng hoàng vào thị trường.

“Nếu những điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19 mà không nhanh chóng được sửa đổi thì “không ai bắn chúng tôi cũng chết". Nghị định yêu cầu phải có 300.000 vỏ bình, chúng tôi đầu tư 100.000 vỏ bình đã hết 40 tỷ đồng trong khi chỉ dùng có 1/3 số đó”, ông Lê Văn Bình – Giám đốc CTTNHH Minh Chánh (Bình Định) than.

Theo như dự thảo thì sẽ bãi bỏ các quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, sẽ tạo sự bình đẳng giữa các DN trong hoạt động kinh doanh khí.

Các DN lớn sẽ không còn sự độc quyền, các trạm nạp, trạm cấp khí độc lập đang kinh doanh hợp pháp sẽ không phải đóng cửa hoặc bán lại, sáp nhập trạm cho các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối khí.

Các trạm nạp đang ký hợp đồng chiết nạp thuê cho các DN khác sẽ giảm nguy cơ phải bị phạt và bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì quy định bất cập đối với điều kiện này của Nghị định 19/2016/NĐ-CP.

Đều cùng khẳng định ủng hộ tinh thần đổi mới, sáng tạo, chính sách phải tạo điều kiện thông thoáng nhất cho DN nhưng cũng có những DN lo rằng dự thảo đang quá mở và mở như thế gây thiệt hại rất lớn cho DN. Có những DN  lo ngại, việc bỏ điều kiện trên có thể sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm quy định trở nên phổ biến hơn như: nạp vào chai LPG chưa đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, chai LPG không đáp ứng yêu cầu về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xác nhận quyền sử dụng hợp pháp.

Chủ trạm nạp LPG vào chai chuyên chiết nạp thuê, không quan tâm chai LPG có nguồn gốc và đủ điều kiện an toàn hay không hoặc thương nhân thuê chiết nạp có đủ điều kiện kinh doanh LPG hay không, điều đó ảnh hưởng tới chất lượng, thương hiệu, quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

Một vị giám đốc của một DN ở Thanh Hóa bày tỏ: “Chúng tôi đã lỡ đầu tư lớn để tuân thủ điều kiện cao của Nghị định 107 trước đây và Nghị định 19. Giờ lại thay đổi như dự thảo thì chúng tôi thiệt hại rất lớn”. Ông này bức xúc “mở như dự thảo thì sẽ có nguy cơ "loạn thị trường gas", tình trạng sang chiết lậu trái phép không kiểm soát được”.

Ngay đến cán bộ ở một Sở công thương tỉnh cũng lo lắng: “Đúng là phải ủng hộ cái mới, ủng hộ cải cách và tạo điều kiện thông thoáng cho DN, nhưng nếu cứ thay đổi "xoành xoạch" và không có quy định cụ thể thì thị trường lại rối loạn như trước khi có Nghị định 19”.

Giải tỏa các băn khoăn, ông Tân cho biết, để giải quyết các tác động tiêu cực trên khi sửa đổi, bổ sung các chính sách, dự thảo Nghị định sẽ tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm đối với các thương nhân kinh doanh khí và tăng cường phân cấp cho các lực lượng ở địa phương để kiểm tra giám sát các thương nhân trong việc thực hiện trong lĩnh vực này. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của thương nhân trong hoạt động kinh doanh khí, đảm bảo an toàn, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc sửa đổi Nghị định 19  theo các DN, là tất yếu. Tuy nhiên, sửa theo hướng nào thì cơ quan quản lý Nhà nước cần khảo sát thực tế thị trường, trao đổi cặn kẽ với DN kinh doanh khí xem họ đang gặp những khó khăn nào, mong muốn điều gì từ cơ quan hoạch định chính sách”, ông Trần Trọng Hữu - Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam lên tiếng.

Ông nhắc lại, từ Nghị định 107/2009/NĐ-CP đến Nghị định 19 đã thay đổi 6 lần, “Chúng ta phải tính toán lại việc này để bảo đảm tính ổn định của chính sách đối với hoạt động kinh doanh khí. DN và bản thân các sở, ngành địa phương cũng không thể đáp ứng được nếu chính sách thay đổi như vậy”.

Trước những trao đổi sôi nổi trái chiều nhau về nội dung dự thảo Nghị định này, TS.Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương lưu ý: Điều kiện kinh doanh là cần thiết cho quản lý nhưng nếu lạm dụng thì điều đó sẽ cản trở sự phát triển. Ông cảnh báo hiện tượng đã có sự áp đặt quá mức cần thiết điều kiện kinh doanh.

Câu chuyện về việc sửa đổi Nghị định 19 và thực tế về điều kiện kinh doanh hiện nay cho thấy, việc nhiều điều kiện kinh doanh đưa ra theo hướng mô tả kỹ lưỡng hành vi DN phải tuân theo, can thiệp sâu vào hoạt động cần phải được bãi bỏ vì nó tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính cho DN, tạo rào cản cho thị trường, sự cạnh tranh, hạn chế sự sáng tạo, quyền tự do hợp đồng, thỏa thuận giá cả và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo thoibaonganhang.vn

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...