Thị trường tiềm năng
Tại toạ đàm ngày 12/7, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison dẫn số liệu thực tế gần 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng mới phục vụ 1/3-1/4 tổng lượng khách hàng có nhu cầu. Với dân số Việt Nam trên 93 triệu người, trong đó 60-65% trong độ tuổi lao động với hơn một nửa số này có thu nhập trung bình thấp dưới 10 triệu đồng/tháng thì nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn và thường xuyên.
“Thực tế, người dân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng với số tiền nhỏ nên tìm tới kênh vốn khác như tín dụng đen dẫn tới nhiều vụ việc thương tâm, người vay bị xã hội đen đánh đập, tan cửa nát nhà... Các công ty tài chính ra đời sẽ giúp người dân thoát được tín dụng đen”, ông Thái chia sẻ và ước tính khoảng 60-70% doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện máy là do các công ty tài chính đem lại. Trong đó, khách hàng vay tiêu dùng chủ yếu để phục vụ các nhu cầu như: mua điện thoại, điện máy, xe máy, du học… và nhu cầu vay mua nhà, sửa nhà cũng tăng trưởng khá mạnh.
Cùng với việc đa dạng hoá sản phẩm, các công ty tài chính còn đơn giản thủ tục cho vay, thẩm định nhanh chóng, giảm lãi vay song song với việc kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Còn theo ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit, ngành tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng 2 con số mỗi năm trong thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ nên dư địa phát triển ngành này rất cao. Với hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn, cụ thể như Thông tư 43 cho phép nâng hạn mức tiêu dùng lên từ 10 – 100 triệu đồng/khoản vay, thì nhóm khách hàng được tiếp cận tín dụng sẽ mở rộng hơn. Hiện, FE credit có danh mục cho vay đa dạng từ tiền mặt, xe máy, điện thoại, nhắm tới đối tượng khách hàng trong độ tuổi lao động, có thu nhập trung bình và thấp, đa phần là công nhân, tiểu thương, không phải nhóm khách hàng mà các NHTM đang nhắm tới.
Ông Hùng nhấn mạnh, khi phát triển “nóng” thì vấn đề thu hồi nợ cũng sẽ áp lực khó khăn hơn, tốn kém thêm chi phí…
Từ khảo sát thị trường tài chính tiêu dùng của các nước như Ấn Độ, Băng-la-desh, Tazania, Brazil… bà Nguyễn Phương Thanh, Chủ nhiệm Cao cấp, Bộ phận Tư vấn Dịch vụ Ngân hàng Tài chính, EY Việt Nam chỉ ra mảng thị phần còn bỏ trống là các vùng nông thôn, hiện khách hàng đang chủ yếu vay qua kênh tín dụng đen.
Theo bà Thanh, Ấn Độ có tới 70% dân số sống tại nông thôn, từ năm 2000 đến 2004, Công ty Hindustan Lever thuộc Tập đoàn Unilever đã phối hợp với các nhóm phụ nữ tại các ngôi làng (với khoảng 2.000 cá nhân) để thực hiện dự án Shakti – chuyên bán hàng các sản phẩm của Unilever, nhờ đó công ty đã tiếp cận được hơn 70 triệu lượt khách hàng nông thôn.
Nguy cơ nợ xấu lớn
Tuy nhiên, “rủi ro cho vay tiêu dùng là vấn đề đáng quan tâm, các công ty tài chính tiêu dùng cần phải áp dụng những cách thức tiếp cận mới ngay từ việc đánh giá khách hàng để quyết định cho vay hay không để kiểm soát nợ xấu”, bà Thanh nói, các công ty tài chính tiêu dùng phân chia các nhóm khách hàng để có sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng trả nợ.
Đơn cử, nhóm khách hàng có thu nhập khá có thể vay để mua điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… Nhóm khách hàng có thu nhập thấp chỉ có thể vay để mua các sản phẩm như ti vi, quạt điện… Việc phân nhóm khách hàng nông thôn và thận trọng đánh giá tín nhiệm để quyết định giá trị khoản vay và sản phẩm phù hợp là điều quan trọng, giảm thiểu rủi ro nợ xấu thấp nhất. Vì cho vay tiêu dùng thường không bảo đảm do đó cần đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả nợ, các yếu tố khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico chỉ ra 3 kênh tiêu dùng chính: cầm đồ và tín dụng đen “mọc lên như nấm sau mưa”, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính. Trong đó, tín dụng đen hiện đang là vấn đề nhức nhối, cho vay nóng, cho vay bạn bè anh em, công ty với nhau, còn lại đa số là kênh tín dụng không có đăng kí kinh doanh. Các ngân hàng thì siết chặt cho vay khiến khách hàng khó tiếp cận vốn. Do đó, chỉ có các công ty tài chính có lợi thế là định chế tài chính hợp pháp chiếm lĩnh cả sân chơi cho vay tiêu dùng.
Hơn nữa, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện đã có quy định tương đối rõ là lãi suất sẽ tính theo dư nợ giảm dần. Luật dân sự mới chưa thống nhất và tòa đang chờ đợi mức lãi suất cho vay trên 20% có hợp pháp hay không hợp pháp, đúng hay không đúng?
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chỉ ra thực tế các tranh chấp tín dụng đen xảy ra ở nhiều địa phương do hình thức này chưa được quản lý rốt ráo. Ví dụ, các vụ cho vay với doanh số cho vay thấp nhất 300 tỷ đồng cao nhất 800 tỷ đồng bị vỡ nợ tại tỉnh Hà Tĩnh năm 2016, đã không có ai quản lý. Người mở quán, buôn thúng bán mẹt khi bị bắt mới lộ ra việc cho vay tín dụng đen hàng trăm tỷ đồng, để lại hệ luỵ rất khó xử lý và gây bất ổn xã hội…
“Tốc độ tiêu dùng đi lên nhanh thì tốc độ tiêu dùng văn hóa cũng xuống nhanh, do đó rất cần phải có tỷ lệ an toàn vĩ mô”, ông Nghĩa nói, cho rằng Việt Nam cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, đăng lý, kế toán, nộp thuế, giảm sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do… Bởi càng chính thức hóa hoạt động cho vay tiêu dùng thì sẽ hạn chế tín dụng đen, rủi ro nợ xấu.
|
>> Sẽ có gói tín dụng mới cho nhu cầu tiêu dùng và nhà ở?