Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Khi Doanh nghiệp sợ... "Con ốm"!

Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA”, một doanh nghiệp logistics Việt Nam mong muốn được áp dụng giấy chứng nhận C/O điện tử, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian xét duyệt.
Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Khi Doanh nghiệp sợ... "Con ốm"!

Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19? do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng nay 29/6 tại Hà Nội. Vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm và thảo luận.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp khi tiếp cận hiệp định EVFTA, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, để doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu thành phẩm qua các thị trường như Mỹ, Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á cần phải làm C/O thông qua VCCI và Bộ Công thương.

Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề khi xin C/O tại VCCI, đơn cử có những C/O phải 2,5 tháng mới hoàn thành thủ tục. Trong khi đó thời gian từ Việt Nam sang Mỹ rơi vào khoảng từ 40 đến 48 ngày.

"Điều đó có nghĩa là hàng đã sang đến đầu bên kia vẫn chưa xin được giấy chứng nhận, dẫn đến có lô doanh nghiệp lỗ toàn bộ vì không đủ điều kiện thông quan. Tuy nhiên, cũng là làm thủ tục C/O, doanh nghiệp xin tại Bộ Công thương lại có thể nhận được chỉ trong 2,3 ngày", vị đại diện này cho hay.

Đánh giá FVFTA là một cơ hội tốt để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường mới, đại diện doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lí nhà nước, trong đó có Bộ Công thương và VCCI hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Tương tự, đại diện khác tới từ doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, họ mong muốn được áp dụng giấy chứng nhận C/O điện tử, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian xét duyệt.

"Chúng tôi hay gọi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O là "con ốm". Vì con ốm là bố mẹ sợ. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu không lấy được giấy chứng nhận thì không có tiền, và không có tiền thì không thể chữa bệnh cho con được", vị này nói và nhấn mạnh, "đây là vấn đề cần giải quyết hàng đầu, để doanh nghiệp tiếp cận được thị trường EU dễ dàng, bên cạnh những vấn đề khác, như kĩ thuật…".

Trả lời cho những thắc mắc này của doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, giấy chứng nhận C/O là một trong những nội dung rất quan trọng, giúp hàng hóa tạo sự khác biệt trong nội khối với hàng hóa bên ngoài, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định.

"Vì vậy, khó khăn khi cấp C/O thường gặp phải là do doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối, không đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ", bà Trang cho biết.

Đồng thời, theo bà Trang, hiện nay để giúp doanh nghiệp tường tận về các quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA, Bộ Công thương đã có thông tư 11 tạo cơ sở pháp lí cho các cơ quan quản lí, doanh nghiệp thực hiện hiệp định ngay khi EVFTA có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/8/2020. Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm thông tin từ thông tư, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho các thủ tục cần thiết khi tham gia vào chuỗi cung ứng mới.

Nói thêm về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp cùng với Bộ Công thương cũng như VCCI chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá về doanh nghiệp để rút ngắn thời gian cấp giấy phép C/O.

Hiện nay, cơ quan Hải quan đang áp dụng quản lý rủi ro, qua đó thông quan rất nhanh cho những doanh nghiệp có tuân thủ cao. Hy vọng các doanh nghiệp khi xin cấp C/O mang đầy đủ tính tuân thủ, minh bạch để hỗ trợ hợp tác tốt nhất giữa các khâu.

"Đối với C.O điện tử, hiện nay mới chỉ áp dụng với một số thủ tục với ASEAN. Đối với Hiệp định EVFTA, Bộ Công thương cũng đang Tổng Cục hải quan tính tới việc sử dụng C.O điện tử với EU", ông Thành cho hay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm