Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, đã vi phạm các quy định trong xây dựng, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Mức án cụ thể của các bị cáo trong vụ án như sau:
Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 24 tháng
Nguyễn Văn Khải (nguyên phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 20 tháng
Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 16 tháng
Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 24 tháng
Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 20 tháng
Đỗ Đình Trì (nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội): 20 tháng
Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 16 tháng treo
Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 16 tháng treo
Bùi Minh Quân (nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 12 tháng treo.
Theo truy tố, dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng. Dự án được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng, cho đến nay đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước. Từ ngày 4/2/2012 – 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác là Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex đã phải chi phí hơn 16,5 tỷ đồng để khắc phục.
Các bị cáo tại tòa
Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa các bị cáo thừa nhận hành vi nhưng không thừa nhận tội danh. Các bị cáo và luật sư cho rằng tiêu chuẩn Ansi/Awwa là tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài chưa được các cơ quan thẩm quyền Việt Nam chấp thuận.
Dự án đã áp dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh là loại vật liệu mới đề nghị áp dụng Điều 25 BLHS 2015 về miễn trừ trách nhiệm đối với rủi ro khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Về kết luận giám định, các bị cáo và luật sư cho rằng kết luận giám định bổ sung không đảm bảo hình thức, có mâu thuẫn.
Theo hội đồng xét xử, căn cứ vào hồ sơ tài liệu chứng cứ có trong vụ án và kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, đủ kết luận các bị cáo có hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận giám định tư pháp xác định do vi phạm trong quá trình sản xuất ống dẫn đến chất lượng không đồng đều, không thực hiện thử nghiệm 2 tiêu chí trong số 7 tiêu chí của Tiêu chuẩn Ansi/Awwa. Quá trình thi công lắp đặt, ban quản lý, đơn vị tư vấn giám sát chưa kiểm soát chất lượng ống, dẫn đến không phát hiện ra các tồn tại.
Giám định bổ sung về chất lượng ống kết luận nếu sản xuất ống đúng như thiết kế, thực hiện thí nghiệm khi sản xuất, kiểm tra khi thi công lắp đặt giám sát... thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống.
Về trách nhiệm dân sự, do Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) không đề nghị các bị cáo bồi thường thiệt hại nên Tòa không xem xét.