Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức hai phiên họp nhưng vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ở phiên họp thứ nhất, mức đề xuất tăng lương tối thiểu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động chênh nhau ở mức cao, tới hơn 8%. Nhưng ở phiên họp thứ hai, đề xuất của các bên đã xích lại gần nhau hơn, chỉ còn chênh nhau 3%.
Phiên họp thứ ba, dự kiến vào khoảng đầu tháng 8 này, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ được chốt để trình Thủ tướng Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 bao nhiêu là hợp lý?
Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: Trong Bộ Luật Lao động cũng đã đưa ra tiêu chí rõ ràng về mức tăng lương tối thiểu, chính vì các bên có cách tiếp cận khác nhau nên dẫn đến sự chênh lệch nên mới cần đối thoại, thương lượng.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện cho người lao động nên luôn luôn nhấn mạnh nhu cầu sống tối thiểu, mong muốn đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu nên đưa ra mức đề xuất cao. Còn VCCI và các Hiệp hội đưa ra mức đề xuất dựa trên các khó khăn, nhất là tăng chi phí dẫn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nên đưa ra mức đề xuất thấp.
“Nhìn chung cả quá trình, 10 năm từ năm 2008 đến nay năm nào cũng điều chỉnh mức lương tối thiểu, nếu tăng liên tục hàng năm cũng tạo tâm lý cho người lao động yên tâm khi năm nào cũng được tăng lương. Nhưng tăng hàng năm như thế thì tỷ lệ tăng phải giảm dần, bình quân 10 năm qua tăng 18,5%”, ông Huân nói.
Cũng theo nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, năm 2018, nền lương nâng dần, lương tối thiểu bình quân 4 vùng là 3.150.000, nên bây giờ tăng tiếp với tốc độ cao là rất khó. Vì thế, lúc đầu Tổng Liên đoàn lao động đề xuất mức 13,3% và giờ điều chỉnh xuống 8%; còn VCCI trước thì từ 2% đến dưới 5% thì bây giờ là 5%.
“Tôi vẫn trao đổi với một số giám đốc DN lớn, sử dụng nhiều lao động, người ta cũng nghi ngại khi hàng năm mình vẫn tăng mà bây giờ dừng lại thì tâm lý người lao động sẽ ảnh hưởng, người ta vẫn nhất trí là vẫn tăng nhưng tỷ lệ tăng giảm xuống. Chẳng hạn, năm 2018 có thể tăng 5% bởi chỉ tiêu CPI mà Quốc hội khống chế là dưới 5%, nếu tăng lương 5% tức là đã đảm bảo được mức lương thực tế cho người lao động, tức là không bị tụt. Nếu năm 2018 – 2019, tình hình doanh nghiệp khá hơn thì các năm sau tiếp tục tăng ở mức cao hơn thì hài hòa hơn”, ông Huân phân tích.
Theo ông, trong khi nhiều DN còn khó khăn, nếu cứ đà tăng lương thì nhiều DN cũng sẽ nghĩ đưa công nghệ thiết bị vào thay thế con người sẽ tạo được năng suất cao hơn, chi phí lần đầu có thể cao nhưng dần dần sẽ ổn, còn nếu chi phí cho người lao động cứ liên tục tăng thì đây cũng là điểm khó.
“Nếu giãn ra được thì tốt, còn nếu không thì tăng ở mức 5% là hợp lý. Mức này giữ sức được cho DN và khi DN tồn tại phát triển, khỏe lên thì lúc đó sẽ tăng ở mức cao hơn. Năm 2018, nhiều doanh nghiệp khó khăn lắm nên vẫn đề nghị Chính phủ phải cân nhắc việc tăng lương, nếu giãn lộ trình ra thì tốt hơn”, ông Huân cho hay.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nếu như ở phiên họp lần đầu các bên đề xuất mức tăng còn chênh nhau nhiều thì đến phiên họp lần thứ hai các bên đã xích lại gần nhau hơn, chỉ còn chênh 3% thì bà tin rằng các bên sẽ thống nhất được mức tăng để trình Thủ tướng.
Căn cứ theo chỉ số CPI và GDP bà Hương cho rằng, lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng ở mức 6,5-7,5% là hợp lý.
Cũng theo bà Hương, mức tăng lương tối thiểu đảm bảo đến 90-95% mức sống tối thiểu là được và như thế sẽ không tạo nhiều sức ép cho các doanh nghiệp.