Theo đó, danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc bao gồm các tiêu chuẩn cho: Công tác khảo sát (35 tiêu chuẩn, quy chuẩn); công tác thiết kế (21 tiêu chuẩn, quy chuẩn); công tác thi công, nghiệm thu (154 tiêu chuẩn, quy chuẩn); công tác thiết kế trung tâm quản lý điều hành, trung tâm dịch vụ, nhà hạt quản lý, trạm thu phí và các công trình phụ trợ (17 tiêu chuẩn, quy chuẩn) và tiêu chuẩn áp dụng cho hệ thống giao thông thông minh (thông tin liên lạc, điện, chiếu sáng…).
Hầu hết các mã tiêu chuẩn, quy chuẩn trong danh mục khung tiêu chuẩn Dự án Đầu tư Xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc mà Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đều là “TCVN”, “TCCS”, “TCĐBVN” hoặc tiêu chuẩn ISO…
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc dự án nhóm A, được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn phân kỳ, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nền đường rộng 17m với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5 km/vị trí. Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với quy mô theo quy hoạch, hoàn thiện nền đường rộng 22m gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục. Giai đoạn này sẽ thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông dự kiến sau năm 2035.
Như Thươnggia đã thông tin, tỉnh Lâm Đồng xác định, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định, dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hiện nay, Lâm Đồng đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai hai đoạn cao tốc này, trong đó đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sẽ được triển khai sớm hơn, quyết tâm khởi công dự án vào tháng 9/2023, hoàn thành vào tháng 6/2026.
Công tác cắm mốc ranh giới giải phóng mặt đang được tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455ha (trong đó Đồng Nai khoảng 81ha, Lâm Đồng khoảng 374ha). Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 186,21ha.
Dự án Tân Phú – Bảo Lộc có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).
Cùng với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cũng được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, có tổng chiều dài dự kiến gần 74km, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng là 4.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 2 đoạn này được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì triển khai. Đoạn còn lại là Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện cũng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào 9/2022 với tổng mức đầu tư ơn 8.300 tỷ đồng.